VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
NAM ĐỊNH
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề
03/11/2017
LÀNG KÈN ĐỒNG PHẠM PHÁO ĐẤT THÀNH NAM
Từ lâu Nam Định đã nổi danh là xứ sở của kèn đồng hay còn gọi kèn “Tây” với hơn 200 đội kèn trong đó có đến 30 đội kèn toàn nữ; chỉ riêng huyện Hải Hậu đã có cả trăm đội kèn với chừng 20 đội kèn nữ, nhiều đội kèn đã từng hiện diện từ rất lâu đời… Điều thú vị khi một làng quê thuần nông được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật kèn đồng đất Thành Nam, bởi nơi đây không chỉ nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi thành thạo kèn đồng, mà họ còn tự làm được các loại kèn đồng để sử dụng và bán đi khắp các vùng miền, kể cả ra nước ngoài: làng Phạm Pháo.
KỲ LẠ NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN THÍCH KÈN ĐỒNG
Làng Phạm Pháo thuộc địa bàn xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Theo các bậc cao niên, tên làng được đặt xuất phát từ một nguyên do khá ngộ nghĩnh: trong số bốn dòng họ đi khai hoang mảnh đất Hải Hậu năm xưa thì dòng họ Phạm chiếm đông dân số nhất, vì vậy người xưa đã kết hợp họ “Phạm” với thế đất nhìn từ trên cao giống hệt hình cỗ pháo khổng lồ mà đặt nên tên làng: “Phạm Pháo”.
Một góc biển Hải Hậu – Ảnh: Nguyễn Đình Thành (nguồn diadiemnamdinh.com)
Về mặt tín ngưỡng, Phạm Pháo là một xứ đạo toàn tòng và lâu đời, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVI cùng với các xứ đạo phía Nam của tỉnh Nam Định như Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng xưa… Giáo xứ Phạm Pháo ngày nay thuộc Giáo hạt Quần Phương - Giáo phận Bùi Chu, phía Bắc giáp sông Ninh Cơ và Giáo xứ Phú An (xã Cát Thành - huyện Trực Ninh), phía Nam giáp Giáo xứ Hai Giáp (xã Hải Anh - huyện Hải Hậu), phía Đông giáp Giáo xứ Phạm Rị (xã Hải Trung - huyện Hải Hậu), phía Tây giáp xã Trực Tiến (huyện Trực Ninh).
Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Bùi Chu – Ảnh: Pha Le (nguồn English.vietnamnet.vn)
Ngay từ năm 1908, xứ đạo Phạm Pháo đã xây dựng ngôi thánh đường khá nguy nga đường bệ. Cùng khoảng thời gian này, xứ đạo đã thành lập đội kèn đồng mà mọi người quen gọi là đội nhạc “Tây” vì nó vốn được du nhập từ phương Tây. Ban đầu những chiếc kèn đồng đều phải mua từ nước ngoài, nhưng trong quá trình sử dụng lâu ngày cũng có chiếc bị hư và sẽ khá nhiêu khê nếu gởi ra nước ngoài sửa chữa, từ đó người chơi đã phải tự mày mò… Khi đã nắm được kỹ thuật sửa kèn, người vùng quê Phạm Pháo lại tiến thêm một bước khi bắt chước làm kèn, hình thành nghề làm kèn đồng ở làng quê thuần nông…
Nhà thờ và đội kèn Giáo xứ Phạm Pháo – Ảnh: Thong Thien (nguồn Vietnam.vnanet.vn)
Năm 1954 sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhờ có sự cởi mở của xã hội lúc bấy giờ mà nhiều giáo họ đã được thành lập. Tại xứ đạo Phạm Pháo, ngoài giáo họ nhà xứ còn có 9 giáo họ khác và mỗi giáo họ đều có một đội kèn nhưng hoạt động và phục vụ cách riêng rẽ. Tuy có nhiều giáo họ nhưng xứ đạo Phạm Pháo lâm vào tình cảnh không có vị mục tử như phần lớn các họ đạo ở miền Bắc do một số linh mục đã di tản vào Nam sau hiệp định đình chiến Genève (20-7-1954).
Đội kèn nữ ở xã Hải Minh – Ảnh: Vương Tâm (nguồn antg.cand.com.vn)
Mãi đến năm 1990, giáo xứ Phạm Pháo mới chính thức có chủ chăn phụ trách mục vụ - đó là linh mục Vũ Minh Hòa, nguyên quản lý Giáo phận Bùi Chu. Việc đầu tiên vị quản xứ làm là động viên các giáo họ góp công, góp sức thành lập đội kèn Hợp Nhất của giáo xứ gồm 10 đội, mỗi đội qui tụ chừng 50 nhạc công. Cho đến nay, đội kèn đồng Hợp Nhất của giáo xứ Phạm Pháo đã lừng danh với quy mô hoành tráng nhất cả nước khi tập hợp đến 800 thành viên bao gồm 12 đội kèn nhỏ trong khắp 26 thôn của xã Hải Minh…
Đội kèn đông đến 800 thành viên – Ảnh: An-Luých (nguồn dangcongsan.vn)
Tại Phạm Pháo, từ trẻ con đến người lớn tuổi, ai cũng xem kèn Tây là món ăn tinh thần không thể thiếu. Chả thế mà ngay từ bé, trẻ con Phạm Pháo đã được làm quen với kèn và còn được bố mẹ bỏ rất nhiều tiền để mua kèn, thậm chí có người còn bán cả nhà sắm kèn và đàn cho con học… Thông thường thanh niên ở Phạm Pháo được học nhạc kèn khi tròn 16 tuổi, nhờ vậy mà hầu như nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi kèn Tây thành thạo.
Trẻ con cũng biết sử dụng kèn – Ảnh: Bình Minh (nguồn laodong.vn)
Theo thống kê sơ bộ, hiện Phạm Pháo có khoảng 1.500 người biết nhạc lý, chừng 1.000 người có thể chơi thành thạo kèn Tây, trong đó có 7 người thuộc thế hệ trẻ đã tốt nghiệp các trường nhạc, góp phần nâng cao trình độ cho các nhạc công. Tuy hằng ngày, người Phạm Pháo là những nông dân một nắng hai sương nhưng mỗi khi có lễ, hội trong xứ đạo thì những người nông dân chân lấm tay bùn ấy lại hóa thân thành những nghệ sĩ kèn Tây và chơi kèn điêu luyện không thua gì những đội kèn chuyên nghiệp…
NGƯỜI XỨ TA LÀM KÈN XỨ TÂY
Không chỉ sử dụng thành thạo kèn Tây, người làng Phạm Pháo còn sản xuất được bộ nhạc cụ gồm đủ các loại kèn và cũng là nơi đầu tiên làm kèn đồng ở Nam Định. Thoạt đầu cũng chỉ có khoảng mươi gia đình trong làng theo nghề làm kèn, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi phong trào thổi kèn ở Nam Định cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh, có đến 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, hình thành làng nghề làm kèn Tây duy nhất ở Nam Định.
Ông Nguyễn Văn Đông, một trong số các nghệ nhân lão luyện của làng kèn – Ảnh: nguồn dulichvn.org.vn
Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện bằng thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Trong hầu hết loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải du nhập từ phương Tây. Đối với những chiếc kèn đồng lớn, người thợ làng Phạm Pháo phải dùng đến máy tiện, máy uốn thủy lực để định hình, riêng các công đoạn như đánh bóng, tạo âm cần nhiều sự tỉ mẫn của người thợ làm kèn…
Ống đồng được đưa vào máy uốn thủy lực tự chế – Ảnh: nguồn tuoitre.vn
Các gia đình ở Phạm Pháo có thể làm đến 15 loại kèn, nhưng được đặt nhiều phải kể đến Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas…, đặc biết chiếc Helicon cho âm trầm thật đáng nễ. Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh bởi người thợ kèn Phạm Pháo là những kỹ thuật viên thành thục, có thể bảo đảm tất cả các yêu cầu của kèn một cách chuẩn xác.
Phụ nữ cũng tham gia hoàn thiện kèn – Ảnh: Hoàng Hà (nguồn laodong.vn)
Thông thường mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó có bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm. Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. Trong quá trình chế tác, khâu khó nhất vẫn là chế tạo quả pháo và bộ phím, nó đòi hỏi người thợ ngoài đôi tay tài hoa còn phải có cả kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là đôi tai phải có độ thẩm âm tinh tế để nắm bắt được các biến tấu của thanh âm.
Một cây kèn Helicon cần nhiều người thợ chăm chút – Ảnh: Hoàng Hà (nguồn laodong.vn)
Xu hướng chung của các gia đình làm kèn làng Phạm Pháo là chuyên nghiệp hóa, mỗi người chỉ phụ trách một số chi tiết. Tuy chất liệu chủ yếu của kèn vẫn là bằng đồng nhưng tùy theo yêu cầu của khách hàng, có thể mạ crom, vàng, bạc… Ưu điểm của kèn đồng làng Phạm Pháo nói riêng và thành Nam nói chung là giá cả rất dễ chịu, thường chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với kèn nhập ngoại, cụ thể như chiếc Helicon cao đến 1,8m cho âm trầm thật hoành tráng chỉ có giá từ hơn 20 triệu đồng, trong khi giá đến 60 triệu đồng nếu nhập từ các nước châu Âu…
Ông Nguyễn Văn Cường - truyền nhân thứ hai của gia đình làm kèn đồng – Ảnh: nguồn phuotbamien.com
Điểm nan giải là các nghệ nhân làng kèn vẫn còn lúng túng trong khâu bán và giới thiệu sản phẩm ra thị trường, bởi hàng của làng nghề sản xuất chủ yếu chỉ bán được cho những đội kèn mới thành lập hoặc các đội kèn cũ cần nâng cấp qui mô, đang khi mỗi chiếc kèn lại có độ bền đến hàng chục năm rất ít cần thay thế. Tuy khó khăn là vậy nhưng từ bao năm người Phạm Pháo vẫn đam mê với nghiệp làm kèn vì đối với họ, những chiếc kèn với âm thanh réo rắt, như một sự mê hoặc đã ngấm vào máu thịt và tâm hồn từ thuở nào…
CHUYỆN CHIẾC KÈN KỶ LỤC…
Nhắc đến nghề kèn đồng tại Nam Định, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chiếc kèn đồng kỷ lục Việt Nam do nghệ nhân Đinh Văn Mạnh (ngụ tại xóm 3, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường) thực hiện. Tuy không thuộc làng kèn Phạm Pháo nhưng chiếc kèn kỷ lục này đã góp phần vinh danh làng nghề làm kèn đồng ở đất Thành Nam nói chung…
Nghệ nhân Đinh Văn Mạnh với 3 quả pháo cho chiếc kèn kỷ lục – Ảnh: Lê Tú (nguồn dantri.com.vn)
Nguyên vào năm 1965, một chuyện tưởng như đùa đã diễn ra lúc người thợ kèn Đinh Văn Mạnh, sau ba năm mày mò đã hoàn thành chiếc kèn đầu tay có âm thanh chuẩn xác và chất lượng không thua kém kèn sản xuất từ các nước Phương Tây. Khi tiếng kèn vừa vang lên những thanh âm réo rắt báo hiệu sự thành công và niềm tự hào của chàng trai đất Việt thì cũng là lúc số phận của nó được định đoạt: chiếc kèn bị tịch thu và “giam giữ”. Lý do vì vào thời điểm đó, đồng là loại nguyên liệu cấm tư nhân thu mua và việc thu mua sở hữu đồng được qui kết là hành vi bất hợp pháp (!).
Chiếc kèn Trumpet khổng lồ do ông Mạnh chế tạo – Ảnh: Lê Tú (nguồn dantri.com.vn)
Mãi ba năm sau khi địa phương phát triển làng cơ khí và hình thành một làng nghề vào loại sớm nhất ở miền Bắc thuở bấy giờ, thì chiếc kèn mới được “trả tự do”. Từ sự kiện hy hữu có một không hai trong lịch sử làng nghề này, chàng thanh niên Đinh Văn Mạnh đã nghiễm nhiên trở thành người nổi tiếng. Vào năm 2004, sau 50 năm gắn bó với nghề làm kèn, chàng thanh niên năm nào nhận được một đơn hàng đặc biệt bởi một vị khách cũng đặc biệt không kém, đó là Giám mục Bùi Văn Tiệm của Giáo phận Bùi Chu và sản phẩm là cây kèn Trumpet lớn gấp ngàn lần những cây kèn bình thường, với giá trị hợp đồng lên đến trăm triệu đồng…
Chiếc kèn lớn gấp nghìn lần chiếc kèn bình thường – Ảnh: Lê Tú (nguồn dantri.com.vn)
Mặc dầu bất ngờ và quá sửng sốt với đề nghị gần như không tưởng, ông Mạnh vẫn khó chối từ bởi nó gắn với cả danh dự của làng nghề, đồng thời cũng là dịp để khẳng định tay nghề sau bao nhiêu năm tích lũy kinh nghiệm. Sau khi bàn thảo với con rể Ngô Văn Hòa cũng là một nghệ nhân tâm huyết với nghề, ông Mạnh đã quyết định nhận đơn hàng vô tiền khoáng hậu này. Cả hai bố con ông Mạnh đã phải mất cả tháng mới tính được kích cở khuôn kèn và các thiết bị phụ kiện, với những con số cụ thể: chiều dài cây kèn 5,5m, đường kính miệng loa 1,25m…
Chiếc kèn cần đến 300kg đồng – Ảnh: Lê Tú (nguồn dantri.com.vn)
Bước vào khâu thi công, ông Mạnh đã chọn kíp thợ kèn gồm 10 người giỏi nhất, phân công mỗi người phụ trách một bộ phận của cây kèn, trong đó thử thách lớn nhất phải kể đến khâu đúc, gò những ống hơi để tạo nên 7 nốt nhạc với các giai điệu thăng, trầm khác nhau. Riêng ở khâu tạo khuôn, phải qua mấy đợt thử cả bê-tông lẫn thạch cao, cuối cùng mới dừng lại ở phương án tạo khuôn bê-tông theo từng công đoạn và bộ phận riêng… Sau 4 tháng ròng làm việc chăm chỉ và khẩn trương, cuối cùng sản phẩm cũng được hoàn thành với trọng lượng lên đến 300kg.
Anh Ngô Văn Hòa thổi thử chiếc kèn kỷ lục – Ảnh: Đức Văn (nguồn dantri.com.vn)
Điều đặc biệt là tuy có kích cỡ khủng, chiếc kèn này vẫn thổi được (qua một búp kèn nhỏ nằm phía trong búp kèn lớn), âm thanh phát ra từ chiếc kèn không thánh thót như bình thường mà như tiếng sấm vọng, khi nhấn nút thì âm điệu lại như tiếng hổ gầm vang xa đến hàng cây số (!)… Hiện chiếc kèn Trumpet ngoại cỡ được đặt trong khuôn viên Nhà thờ chánh tòa Giáo phận Bùi Chu (tỉnh Nam Định), tuy mới chỉ được xác định kỷ lục Việt Nam nhưng xem ra trên thế giới chưa nơi nào có chiếc kèn khổng lồ đến như vậy.
● ● ●
Đa dạng sản phẩm từ làng kèn – Ảnh: Ngọc Thành (nguồn Vnexpress.net)
Quả là khó tin khi từ một làng quê thuần nông, người Phạm Pháo lại có một tinh thần say mê nghệ thuật kèn đồng đến lạ lùng… Càng ngạc nhiên hơn khi những người nông dân này còn làm ra được những chiếc kèn đồng và sử dụng thuần thục cứ như là những nghệ sĩ thực thụ, chuyên nghiệp… Với tình yêu và niềm đam mê dành cho nghệ thuật, tiếng kèn của những nghệ sĩ chân đất làng Phạm Pháo đã góp phần thăng hoa cuộc sống, chắp cánh những ước mơ và khẽ khàng lay động mọi tâm hồn…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Chủ đề liên quan :
- CÀ KHEO CỒN VINH 17/02/2011
- LÀNG SƠN MÀI CÁT ĐẰNG 17/02/2011
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn