Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

TIỀN GIANG


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

21/08/2017

DI TÍCH NHÀ ĐỐC PHỦ HẢI TẠI GÒ CÔNG


Nếu Tiền Giang từng được biết đến là một trong những địa phương sở hữu nhiều nhà cổ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với con số chừng 350 ngôi nhà cổ được thống kê, thì thị xã Gò Công và huyện Cái Bè lại được xem là “đất lành” của những ngôi nhà cổ. Nổi bật trong số đó phải kể đến ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải tại Gò Công, một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX gắn với giai đoạn nhiễu nhương của đất nước khi Nam kỳ Lục tỉnh bị Nhà Nguyễn cắt nhượng cho Pháp, trở thành lãnh thổ đầu tiên Pháp chiếm được trong quá trình xâm lược Đại Nam…

THEO DẤU BÀN CHÂN…

Nguyên vào năm 1860, sau khi chồng là Dương Văn Bốn qua đời, bà Trần Thị Sanh (con gái thứ sáu của bá hộ Trần Văn Đổ và bà Phạm Thị Phụng) đã cho đắp nền trên một khu đất nằm trong địa giới khẩn hoang của dòng họ Trần, cất một ngôi nhà ba gian lợp lá để sống cùng người con còn sống duy nhất là Dương Thị Hương. Sau đó ít năm, để chuẩn bị đám cưới cho con gái với cậu cử Huỳnh Định Ngươn, bà Sanh đã cho sửa lại ngôi nhà tươm tất, lợp bằng ngói âm dương.

 Toàn cảnh Nhà Đốc phủ Hải

Toàn cảnh Nhà Đốc phủ Hải nhìn từ đường Hai Bà Trưng – Ảnh: Mk. Thành 

Trong thời gian này, bà Sanh đã có dịp tiếp xúc với Trương Định, một võ quan nhà Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp năm 1859 – 1864. Bà đã giúp đỡ rất nhiều trong dịp Ông đưa gia quyến cùng những đồng bào Nam - Ngãi vào lập nghiệp khẩn hoang tại vùng Gia Thuận sau nạn đói 1856 – 1858. Với dụng ý ngầm giúp các tổ chức chống Pháp và giữ gìn đất Gò Công, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, Hoàng Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức và cũng là chị em cô cậu với bà Sanh) từ kinh đô đã khéo vun vén để bà Sanh đi bước nữa làm vợ lẽ Trương Định, được cha mẹ là ông Đổ và bà Phụng công nhận cho làm lễ từ đường.   

 Mộ và đền thờ Trương Định

Mộ và đền thờ Trương Định tại thị xã Gò Công – Ảnh: nguồn tuoitretiengiang.vn

Là một người giàu có, sở hữu đến 500ha đất trong tay, lại cũng có ý thức yêu nước thương dân, bà Sanh đã tích cực giúp Trương Định xây dựng căn cứ địa Tân Hòa và nhiều đồn lũy rải khắp khu vực, trở thành trung tâm chống giặc Pháp đầu tiên ở Nam kỳ. Trong những ngày khởi nghĩa chống Pháp, Trương Định vẫn thường lui tới ngôi nhà của vợ mình bàn việc quân cơ. Năm 1864, trong một cuộc truy kích của quân Pháp, Trương Định thất thế phải tuẫn tiết tại Gia Thuận. Với tư cách là vợ, bà Sanh đã phải bỏ ra rất nhiều tiền mới được người Pháp cho nhận thi hài và đưa về an táng sơ sài trên đất họ Trần; đến 10 năm sau ngôi mộ mới được người Pháp cho trùng tu. 

 Ngôi nhà được chạm trỗ

Ngôi nhà được chạm trỗ khá tinh xảo – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Sau khi Trương Định mất, bà Sanh đã phát nguyện quy y thọ giới, giao quyền quán xuyến ngôi nhà cho con gái Dương Thị Hương và con rể Huỳnh Định Ngươn. Khi Huỳnh Định Ngươn làm Tri huyện Trường Bình, ngôi nhà này đã được người dân địa phương gọi là “nhà Bà Huyện”. Vào những năm 1880 – 1885, do chán cảnh quan trường, Huyện Ngươn xin cáo quan về trí sĩ. Trong thời gian này, ông đã cho tôn tạo lại ngôi nhà khang trang, thoáng mát để an dưỡng tuổi già. Đây là giai đoạn lột xác mạnh mẽ nhất của ngôi nhà với các công trình chạm khắc gỗ tinh xảo, từ ấp quả đến đầu hồi, từ khuông bao đến chấn gạch, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài…

 Từ đầu hồi đến khuông bao

Từ đầu hồi đến khuông bao đều được chạm trỗ – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Khi Huyện Ngươn qua đời, bà Hương ở cùng con gái út là Huỳnh Thị Điệu và con rể là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ. Từ đó người địa phương lại gọi là “nhà Đốc phủ Hải”. Vào cuối thế kỷ XIX khi tại Gò Công nổi lên phong trào xây dựng dinh cơ và các phú hào địa chủ đua nhau khoe khoang nhà cửa, thì vào những năm 1885 – 1890, ông Hải đã dựng thêm tiền sảnh kiểu “Roman” cho ngôi nhà, kết hợp tinh tế hài hòa nền văn minh thảo mộc với kiến trúc Roman. Ông còn cho xây hai nhà vuông Đông, Tây du ở hai bên phía sau nhà chính làm chỗ nghỉ cho những người làm công.

 Tiền sảnh kiểu Roman

Tiền sảnh kiểu Roman – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Cũng nhờ có chút tân học lại nhiều tài sản, ông Hải thường đi du lịch và có điều kiện mua sắm nhiều đồ đạc sang trọng, qúy hiếm như các bộ bàn ghế theo phong cách cổ điển Pháp được các nghệ nhân chạm nổi hoặc khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Hoa và Việt Nam thế kỷ XVII XVIII, tủ sản xuất tại Pháp, đèn treo trần nhà kiểu Châu Âu… mang tính thời thượng lúc bấy giờ, đã biến ngôi nhà thành tư gia sang trọng bậc nhất hạt Gò Công.

 Các chi tiết cấu trúc bên trong

Các chi tiết cấu trúc bên trong gian nhà chính – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Từ 1909 1917, ngôi nhà được tu bổ thêm một số hạng mục như xây tường, làm hàng rào sắt Tây ba mặt và xây lẫm lúa to lớn ở phía sau với chi phí 10.000 giạ lúa tương đương 250 tấn thóc vào thời điểm bấy giờ. Vào những năm 1926 1928, khi con trai ông Hải được làm Chánh Tổng Hòa Lạc Hạ, ngôi nhà có được tu sửa chút ít và sơn phết lại nhưng không đáng kể…

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT HÀNG ĐẦU TIỀN GIANG

Tọa lạc tại vị trí đắc địa với ba mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng - Lê Thị Hồng Gấm thuộc phường 1, thị xã Gò Công, ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với những nét chạm trổ cầu kỳ, khoáng đạt thể hiện sự vương giả của gia đình chủ nhân còn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn.

 Phối cảnh tiền sảnh

Phối cảnh tiền sảnh Nhà Đốc phủ Hải – Ảnh: Mk. Thành 

Theo các tài liệu còn lưu truyền, ngôi nhà đầu tiên được bà Sanh dựng theo lối chữ Đinh [丁], một kiểu nhà truyền thống có xuất xứ từ miền Trung khá phổ biến lúc bấy giờ. Sau nhiều đợt tu bổ và xây dựng, hiện ngôi nhà là một tổ hợp kiến trúc gồm nhà chính ở phía trước (533,26m²), hai nhà vuông ở hai bên (196,4m²), lẫm lúa hay kho thóc ở phía sau bao quanh một sân trời ở giữa tạo thành hình chữ Khẩu [口]. Có người đã cho rằng ngôi nhà được làm theo lối “nội Công ngoại Quốc”, nghĩa là bên trong hình chữ Công [工], bên ngoài hình chữ Quốc [國] hoặc chữ Khẩu [口], song nhận định như thế e có phần phiến diện, bởi thực tế đã không minh chứng được điều đó. 

Mặt sau nhà chính

Mặt sau nhà chính (trái), nhà vuông (giữa) và lẫm lúa (phải) – Ảnh: Mk. Thành   

Nhà chính được làm theo kiểu ba gian hai chái, có mặt tiền quay về hướng chính Bắc (chính phương triều đẩu), phần phía sau có cửa mở quay về phương Nam (trung đường sinh bối điện Nam cô). Các phần bên ngoài được xây dựng bởi vôi, vửa, mái lợp ngói âm dương được nâng đỡ bởi 36 cột, trong đó có 30 cột là gỗ căm xe và gõ. Bên trong nhà tiền đường, các cột được liên kết với nhau bằng các dãy bao lam bằng gỗ chạm hai mặt, thể hiện các đề tài tứ linh, tứ qúy, bát bửu… Xen kẻ các bao lam còn có các liễn đại tự, trên các cột là các đôi liễn đối với các tích truyện Tàu thể hiện triết lý Nho-Lão-Phật, các đề tài tứ qúy hay nhạc cụ cổ truyền Việt Nam như đàn bầu, tỳ bà, sáo trúc được khảm xà cừ, trên gian khánh thờ có hình lưỡng long triều nguyệt chạm trỗ tỉ mỉ và thếp vàng…

 Bên trong gian nhà chính

Bên trong gian nhà chính – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Gian tiền sảnh phía trước được thiết kế theo mô-típ châu Âu đặc trưng với các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho. Tại đây các xiên trính cũng được chạm ở ba mặt và cả hai đầu, các đố và vòm cửa là các bao lam hình chữ nhật hoặc vuông, trang trí các đề tài gắn liền với đời sống cư dân Nam bộ như tứ qúy, hoa, trái, chim, thú… được lồng kính vừa có tác dung ngăn mưa, gió vừa bảo vệ các tác phẩm chạm trỗ bền vững với thời gian.

 Mặt tiền nhà chính

Mặt tiền nhà chính hướng ra tiền sảnh – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Không gian Á Đông của ngôi nhà còn được bổ khuyết bởi các vật dụng phương Tây thuộc loại sang trọng và qúy hiếm như các bộ bàn ghế chạm nổi hoặc khảm xà cừ theo phong cách Louis cổ điển Pháp, bàn đá cẩm thạch, tủ gỗ sản xuất tại Pháp, bàn trang điểm, đèn treo trần nhà kiểu Châu Âu, hai bộ đi-văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen…; đồ sứ Trung Hoa và Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII đáng chú ý có chiếc đôn sứ Giang Tây, chiếc độc bình cổ, hai chiếc ché gốm màu hoa văn rồng nổi… Ngoài ra còn có các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh tứ thời bằng hạt cườm rất hiếm, tám tấm tranh thêu đề tài Tùng-Trúc-Cúc-Mai, Xuân-Hạ-Thu-Đông, đặc biệt có hai bức ảnh bán thân bằng xà cừ của bà Điệu và ông Hải, chiếc giường Thất Bảo kiểu Quảng Đông có mặt lát sáu tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau với thanh chân chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ…

 Bàn trang điểm và giường Thất Bảo

Bàn trang điểm và giường Thất Bảo – Ảnh: nguồn tuanhuusac.blogspot.com

Với những giá trị độc đáo và hiếm có, từ năm 1980 – 1999, Nhà Đốc phủ Hải được Thị ủy và Ủy ban Nhân dân thị xã Gò Công sử dụng làm Nhà truyền thống thị xã Gò Công. Từ năm 2000 đến nay, ngôi nhà được trả lại tên gọi “Nhà Đốc phủ Hải” phục vụ khách tham quan.

Công trình Nhà Đốc phủ Hải đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 921 ngày 20-7-1994. 

● ● ●

Là một công trình dân dụng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Nhà Đốc phủ Hải là sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc Đông - Tây, thể hiện sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt, trở thành một trong những ngôi nhà địa chủ thời phong kiến tiêu biểu nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự cầu kỳ và xa hoa trong trang trí - thiết bị nội thất đã biến ngôi nhà thành một “tiểu cung điện”, thu hút nhiều sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước, mà còn cả các đài truyền hình, các hãng phim khi chọn ngôi nhà làm bối cảnh cho các cảnh quay, mô tả cuộc sống người dân Nam bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX… 

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành