Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Cambodia


CAMBODIA

PHNOM PENH (thành phố)


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".

 


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

28/02/2015

CUNG ĐIỆN HOÀNG GIA - BIỂU TƯỢNG CỦA VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA


Tọa lạc tại bờ Tây của ngã tư các phân nhánh sông Mekong, trên một khuôn viên rộng 500 x 800m, Cung điện Hoàng gia Campuchia có cổng chính nằm trên đường Sothearos nhìn ra bờ sông, cách đường 240 khoảng 100m về hướng Bắc. Đây là một quần thể kiến trúc tráng lệ, bao gồm cả Wat Preah Keo Morakat quen được du khách biết đến với tên gọi “Chùa Bạc - Chùa Vàng”, tạo thành biểu tượng độc đáo của Vương quốc Campuchia… 

MỘT CHÚT NHÌN LẠI...

Trong lịch sử cổ đại và trung đại, hầu hết các quốc gia đều theo chế độ quân chủ chuyên chế - trung ương tập quyền, vì vậy hoàng cung là nơi linh thiêng nhất, tập trung bộ máy lãnh đạo - quyền lực của một quốc gia. Vào thời kỳ thịnh vượng của Angkor (802 - 1431), kinh đô của đế chế này được đặt tại phía Bắc Biển Hồ (thuộc tỉnh Siem Reap ngày nay).

Quần thể cung điện hoàng gia  

Quần thể cung điện hoàng gia – Ảnh: nguồn embassyofcambodia.org.nz

Do kinh đô Angkor nằm quá gần với biên giới Ayutthaya và những cuộc chiến tranh liên miên với quốc gia này đã làm cho đế chế hùng mạnh Angkorian dần bị suy yếu mà đỉnh điểm là vào năm 1431 khi kinh đô bị người Ayutthaya chiếm được và đốt phá, buộc vua Borommaracha II (1393 - 1463) phải tháo chạy về phía Nam, đến khu vực Phnom Penh ngày nay. Phnom Penh đã được chọn làm kinh đô từ năm 1434 và kéo dài được vài thập kỷ, đến năm 1494 kinh đô được chuyển tới Basan, sau đó chuyển tới Lovek, rồi Oudong.

Năm 1813, trên vùng đất hoàng cung ngày nay, quốc vương Angchang (1796 - 1834) đã xây dựng Banteay Kev (cung điện Pha-lê) và ở đó trong một thời gian ngắn trước khi chuyển đến Oudong (cách Phnom Penh chừng 45km về hướng Đông Nam). Năm 1834 khi rút lui khỏi Phnom Penh sau thời gian chiếm đóng, quân Siam đã phá hủy thành phố này và đốt cháy cung điện Banteay Kev.

 Cung điện hoàng gia Campuchia

Cung điện hoàng gia Campuchia – Ảnh: nguồn globaltravel-cambodia.com

Khi thực dân Pháp xâm lược Campuchia và ép vua Norodom (1834 - 1904) ký Hiệp ước bảo hộ năm 1863, một cung điện tạm thời đã được xây dựng tại vị trí cách hoàng cung hiện nay khoảng vài trăm mét về hướng Bắc và nhà vua đã rời Oudong về Phnom Penh, đưa Phnom Penh trở lại thành kinh đô của đất nước Campuchia. Năm 1866, Cung điện Hoàng gia Campuchia đã được xây dựng với sự bảo trợ của nước Pháp, do kiến trúc sư Neak Okhna Tepnimith Mak thiết kế theo mô-típ truyền thống Campuchia. Công trình kéo dài đến năm 1871 mới chính thức hoàn thành và những bức tường bao quanh được xây dựng tiếp vào năm 1873. 

Dưới thời quốc vương Sisowath (1904 - 1927), nhà vua tiếp tục hoàn thiện hoàng cung và cho xây mới nhiều công trình như đại sảnh Phochani (1907 -  1912), mở rộng điện Chanchaya và phòng khánh tiết (1913 - 1919). Các công trình xây dựng dưới thời vua Sisowath mang đậm phong cách Khmer phối kết phong cách kiến trúc Tây Âu, rõ nét nhất là ở phòng khánh tiết.

Bên trong phòng khánh tiết

Bên trong phòng khánh tiết – Ảnh: nguồn worldislandparadise.com

Đến thời quốc vương Monivong, nhiều công trình đã được xây mới như điện thờ hoàng cung, Vihear Suor (1930), phá bỏ và thay thế khu hoàng cung cũ bằng khu cấm thành Khemarin (1931), công trình Damnak Chan là nơi làm việc Hội đồng cao cấp của nhà vua, khu biệt thự Kantha Bopha dùng đón tiếp các vị khách nước ngoài viếng thăm hoàng gia (1956)…

Năm 1970 khi Campuchia diễn ra chính biến và đất nước này trở thành nước cộng hòa, khu hoàng cung có khi bị đóng cửa hoặc sử dụng như bảo tàng. Trong thời kỳ cai trị của chế độ Khmer Đỏ (1975 - 1979), quốc vương Sihanouk và gia đình bị giam lỏng trong khu hoàng cung. Vào giữa những năm 1990, một số tòa nhà trong khu hoàng cung được tu sửa và trong một vài năm gần đây, khu vực này tiếp tục được trùng tu với sự trợ giúp của quốc tế…

CUNG ĐIỆN HOÀNG GIA

Cung điện Hoàng gia Campuchia có tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk, được xây dựng từ năm 1866 và hoàn thiện dần trong tiền bán thế kỷ XX. Đây là tổ hợp các công trình kiến trúc có mặt chính quay về hướng Đông, không chỉ là nơi ăn ở, sinh hoạt của quốc vương Campuchia cùng hoàng gia, mà còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các lễ nghi hoàng gia, các nghi thức ngoại giao hay tiếp đón các quan khách nước ngoài…

Bản đồ khu cung điện hoàng gia  

Bản đồ khu cung điện hoàng gia – Ảnh: nguồn bittersweetbyte.com

Một vài công trình tiêu biểu:

Phòng khánh tiết

Phòng khánh tiết có tên “Preah Thineang Vinnichay”, trong ngôn ngữ Khmer có nghĩa là “Thánh vi phán xử”. Nguyên phòng này được xây dựng bằng gỗ vào những năm 1869 - 1870 dưới thời vua Norodom, đến năm 1915 đã bị phá bỏ. Năm 1917, phòng khánh tiết được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố với diện tích 30 x 60m, có đỉnh tháp cao 59m. Công trình này được vua Sisowath khánh thành năm 1919 và tồn tại đến ngày nay.

Phòng khánh tiết có trần với cấu trúc mái vòm, trang trí một bức tranh vẽ khá độc đáo mô tả truyền thuyết Reamker (sử thi Ramayana đã được Khmer hóa) với nhiều họa tiết rực rỡ. Nơi đây trước kia nhà vua cùng nội các thiết triều, nay được sử dụng trong các nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia và cũng là nơi nhà vua tiếp khách.

 Phòng khánh tiết

Phòng khánh tiết - Cung điện hoàng gia Campuchia – Ảnh: nguồn flickr.com

Horsamran Phirun

Horsamran Phirun hay “điện nghỉ yên tĩnh” được xây dựng năm 1917, là nơi nghỉ ngơi và thư giản của hoàng gia, đồng thời cũng là nơi cất giữ các loại nhạc cụ và đạo cụ biểu diễn. Tại đây nhà vua thường đợi để an vị trên lưng voi vào các dịp lễ rước của hoàng gia… Ngày nay, nơi đây được sử dụng trưng bày những kỷ vật của các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Hor Samrith Phimean

Được xây dựng năm 1917, Hor Samrith Phimean hay “cung điện đồng” là nơi cất giữ các trang phục và di vật của hoàng gia. Hầu hết các biểu trưng của hoàng gia, trang phục của nhà vua, hoàng hậu, chén bát sử dụng trong hoàng gia cùng trang phục các cung nữ đều được trưng bày tại đây.

Sân khu Preah Tineah Chanchhaya - Monk

Nguyên là một công trình bằng gỗ có mặt trước hướng ra đường Sothearos, sân khấu Chanchhaya hay còn gọi “Ánh Trăng” ngày nay được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố vào năm 1913 - 1914 dưới thời vua Sisowath, theo cùng thiết kế của công trình trước đó. Đây là khán đài để nhà vua ban lời huấn dụ trước quốc dân và cũng là nơi tổ chức các sự kiện, các buổi tiệc lớn của hoàng gia, biểu diễn những điệu múa cung đình…

 Sân khấu Chanchhaya

Sân khấu Chanchhaya – Ảnh: nguồn dulichviet.com.vn

Đin Phochani

Điện Phochani là một sân khấu rộng dùng vào mục đích biểu diễn nghệ thuật. Công trình này được thiết kế và xây dựng bởi các nghệ nhân nghề mộc nổi tiếng ở làng Diệc (Hưng Hà, Thái Bình - Việt Nam), khánh thành năm 1912. Ngày nay điện Phochani được sử dụng làm nơi đón tiếp và tổ chức các hội nghị của hoàng gia.

Đin Napoléon III

Điện Napoléon III là công trình xây dựng kiên cố đầu tiên trong khu vực hoàng cung, với vật liệu hoàn toàn bằng sắt. Nguyên ngôi điện này được vua Napoléon III cho xây dựng dành cho phu nhân của mình - nữ hoàng Eugenie của nước Pháp và đã được sử dụng trong dịp lễ khánh thành kênh đào Suez (Ai Cập) vào tháng 11/1869. Đến năm 1876, hoàng đế Napoléon III đã gởi tặng ngôi điện này cho vua Norodom. Điểm thú vị là các biểu tượng hoàng gia với chữ “N” trên các cửa và các mặt của ngôi nhà nhằm ghi dấu ấn Napoléon đã không cần phải thay đổi vì người chủ mới cũng có tên bắt đầu bằng từ “N”: Norodom.

 Điện Napoléon III

Điện Napoléon III – Ảnh: nguồn constructionphotography.com

Vưn hoa

Trong khuôn viên Cung điện Hoàng gia Campuchia có nhiều vườn hoa, tập hợp rất nhiều cây cảnh qúy và đẹp mắt, được chăm chút kỹ lưỡng… Ngay cửa ra vào du khách có thể nhìn thấy rất nhiều cây Sala, một loại cây qúy liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Ở khu vực phía bên trong cũng có nhiều cây Bò cạp vàng và cây Si to lớn với tuổi đời hàng trăm năm…

● ● ●

Qua một thế kỷ rưỡi tồn tại với biết bao thăng trầm, quyền điều hành đất nước ngày nay không còn tập trung tại Cung điện Hoàng gia Campuchia đã biến nơi đây thành một cõi cô tịch u nhã, với những công trình kiến trúc được khắc họa bằng những họa tiết điêu khắc hay chạm trổ công phu, những khu vườn hoa tập hợp nhiều cây kiểng qúy hiếm, những hiện vật trưng bày mang nhiều giá trị văn hóa và lịch sử…

Tham quan Cung điện Hoàng gia Campuchia, du khách có thể phần nào hiểu được quá khứ sống động của một đất nước trải qua bao biến thiên của thời cuộc…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành