Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Myanmar


MYANMAR

MON


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".

 


» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

30/04/2014

CHÙA KYAIKHTIYO - HÒN ĐÁ VÀNG (MYANMAR)


Tọa lạc trên đỉnh núi Kyaikhtiyo ở độ cao 1.100m so với mực nước biển, cách Yangon chừng 210km và không xa thị trấn Kyaikhtiyo thuộc quận Thaton - bang Mon, Hòn đá Vàng - Golden Rock là một sự xếp đặt lạ lùng của tự nhiên, trải qua hàng nghìn năm chênh vênh vẫn đứng vững trơ gan cùng tuế nguyệt. Cư dân địa phương xem đây là vật thiêng và đã xây dựng trên đỉnh hòn đá một ngọn tháp toàn bằng vàng, đồng thời cũng cung kính dát vàng toàn bộ hòn đá, tạo nên một quần thể độc đáo kết hợp giữa kỳ công của tự nhiên với bàn tay sáng tạo của con người…

Chùa Kyaikhtiyo rực rỡ trong đêm  

Chùa Kyaikhtiyo rực rỡ trong đêm – Ảnh: nguồn tourdulichmyanmar.vn

HUYỀN THOẠI CHÙA KYAIKHTIYO

Nằm chênh vênh trên sườn ngọn núi Kyaikhtiyo là một khối đá tròn như quả trứng, có chiều cao 7,3m và 15,2m chu vi. Trên hòn đá này, cư dân địa phương đã xây dựng ngôi chùa Kyaikhtiyo cao 5,5m, được đánh giá là một trong số những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất ở Myanmar. Nhiều người tin rằng chùa Kyaikhtiyo được xây dựng năm 574 trước Công nguyên, vào thời điểm Đức Phật còn tại thế.  

Chùa Kyaikhtiyo - Hòn đá Vàng  

Hòn đá Vàng – Ảnh: nguồn sotaydulich.com

Sở dĩ có tên gọi “Hòn đá Vàng” là do cả ngôi chùa và hòn đá đều được dát kín bằng vàng lá. Trong ngôn ngữ của người Mon, “Kyaik” có nghĩa là “chùa” và “Htiyo” có nghĩa “mang cái đầu của vị tu sĩ”. Từ đó tên “Kyaikhtiyo” hàm nghĩa “ngôi chùa được đặt trên đầu của vị tu sĩ”. Theo truyền thuyết, trong một lần Đức Phật đến truyền đạo ở đây, Ngài đã trao cho tu sĩ Taik Tha một sợi tóc của mình. Tu sĩ Taik Tha đã cất giấu sợi tóc ấy trong mái tóc của ông và sau đó đã trao lại cho nhà vua với ước mong “sợi tóc Đức Phật sẽ được cất giữ trong một hòn đá có hình dáng giống như cái đầu của một vị tu sĩ”.

 Bình minh trên núi Kyaikhtiyo

Bình minh trên núi Kyaikhtiyo – Ảnh: nguồn tsttourist.com

Không biết tìm đâu ra hòn đá có hình thù như thế, nhà vua đã phải nhờ đến cha mẹ là thần Zawgyi và nữ thần Naga tìm giúp và hai vị thần này đã tìm được một hòn đá khả dĩ đáp ứng yêu cầu trên ở dưới lòng đại dương. Hòn đá này đã được đưa lên khỏi mặt nước và đặt ở đồi Kyaikhtiyo, trong tư thế chênh vênh với mặt tiếp xúc chỉ 78cm². Tuy có vẻ như sắp lăn xuống núi nhưng thực tế hòn đá lại rất vững vàng và khó bị dịch chuyển. Người Myanmar giải thích sự vững vàng này là nhờ thần Tawadeintha đã dùng con thuyền thần trục vớt hòn đá và chở nó lên đỉnh đồi. Sau đó cả chiếc thuyền và dây thừng đều đã biến thành đá và nằm cách Hòn đá Vàng khoảng 300m nhằm giữ cho hòn đá không bị rơi (!). 

Mặt tiếp xúc chỉ 78cm²  

Mặt tiếp xúc chỉ 78cm² – Ảnh: nguồn bk.asia-city.com

Thể theo ước nguyện của tu sĩ Taik Tha, nhà vua đã cho đặt xá lợi Phật (sợi tóc của Đức Phật) trong hòn đá và trên hòn đá này, một ngôi chùa nhỏ đã được dựng lên, đặt tên là Kyaikhtiyo. Hàng năm cứ đến đêm 31-12, chùa Kyaikhtiyo được phát sáng rực rỡ nhờ 9.000 bóng đèn, và từ 9.000 hoa hồng do khách hành hương dâng cúng, tỏa lan mùi thơm trong không gian tạo thành hiện tượng kỳ thú mỗi năm chỉ có một lần.

ĐƯỜNG ĐẾN HÒN ĐÁ VÀNG

Để viếng chùa Kyaikhtiyo, du khách chỉ có 2 cách: hoặc đi xe theo con đường quanh co (mất chừng 1 giờ) hoặc đi bộ (mất 4 - 6 giờ) xuyên qua các khu rừng rậm rạp từ bến xe tại vùng Kimmunsakhan đến trại Kinpun dưới đỉnh núi Kyaikhtiyo dài 11km. Nếu đi bộ, du khách sẽ có dịp vượt qua 20 trạm nghỉ khác nhau với các quán cóc nhỏ, có đủ các loại nước giải khát và trái cây phục vụ. Điều thú vị là trong suốt quãng đường dài như thế, du khách không hề bị làm khó bởi ánh nắng chói chang vì các tán cây tỏa bóng râm che mát. Việc di chuyển bằng xe cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, du khách phải làm quen với cảm giác lắc lư khi xe gầm rú leo lên các con dốc quanh co, tuy có đáng sợ thật nhưng cũng là dịp cho những trận cười hỉ hả, phấn khích khi xe hết nhào sang bên này lại ngã về bên kia…

 Từ trại Kinpun

Từ trại Kinpun phải cuốc bộ lên núi – Ảnh: nguồn bachhac.net

Dù đi bằng phương tiện gì, du khách cũng đều thỏa sức ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên, với một số khu vui chơi giải trí, những ngôi chùa cổ hay đền cổ linh thiêng của người dân địa phương hiện ra trong tầm mắt. Đến trại Kinpun, từ đây không còn xe cộ hay ngựa, bò nào vượt nổi qua những dốc đứng quanh co, du khách chỉ còn dựa vào sức người để lên đến Hòn đá Vàng. Tuy chỉ chừng 1,2km nhưng chinh phục đoạn đường này là cả một thử thách cam go, du khách phải mất cả tiếng đồng hồ mới leo được đến đỉnh. Đối với khách không đủ sức khỏe, vẫn có thể nhờ những người khiêng võng hay khiêng kiệu đưa lên đỉnh núi.

 Toàn cảnh chùa núi vàng

Toàn cảnh chùa núi vàng – Ảnh: nguồn forums.tigsource.com

Chùa Kyaikhtiyo - Hòn đá Vàng là một trong những niềm tự hào và là chốn linh thiêng bậc nhất của Myanmar. Từ dưới chân núi, du khách chỉ thấy duy nhất chỏm đá nhô ra phía ngoài, nhưng khi lên đến đỉnh, toàn cảnh ngôi chùa hiện ra là một quần thể kiến trúc khá bề thế và rộng lớn với nhiều hạng mục chùa, tháp nhỏ nằm rải rác, có bậc thang dẫn lên tận đỉnh mà tâm điểm chính là nơi đặt “hòn đá thiêng” nằm cheo leo trên một hòn đá khác ngay sát mép núi. Khuôn viên chùa hình chữ nhật, cao hơn mặt bằng khu dân cư bên dưới chừng 20m. Tại đây rất nhiều tượng Phật được đặt khắp các ngóc ngách, một số tượng được trang điểm bằng hàng ngàn viên đá quý, vài trăm viên kim cương cùng hàng trăm chiếc chuông vàng…

TRẢI NGHIỆM LINH THIÊNG…

Myanmar có ba ngôi chùa quan trọng cất giữ xá lợi Phật là chùa Shwedagon ở thủ đô Yangon, chùa Maha Myat Muni ở cổ thành Mandalay và chùa Kyaikhtiyo ở bang Mon. Đối với nhiều Phật tử Myanmar, Hòn đá Vàng Kyaikhtiyo là một báu vật thiêng liêng. Họ mong mỏi có dịp được hành hương về đây, áp đầu vào hòn đá và cầu nguyện với niềm tin tưởng sẽ có được sức khỏe cùng sự sung túc, như chính hòn đá vàng bền vững nằm bên vách núi… Rất nhiều Phật tử đã đến đây, mang theo hương hoa và cả những lá vàng mỏng tang dát lên tảng đá để bày tỏ đức tin của mình với Phật tổ, biến “hòn đá thiêng” này thành một “hòn đá vàng” khổng lồ và lấp lánh. Điểm đáng buồn là chỉ có đàn ông mới được phép lại gần, chạm tay và dát vàng lên khối đá kỳ diệu. Người dân nơi đây tin rằng nếu để phụ nữ chạm tay vào hòn đá, thì hòn đá sẽ bị rơi ngay xuống vực (!).

 nam giới mới có thể dát vàng

Chỉ nam giới mới có thể dát vàng lên hòn đá – Ảnh: nguồn chungmottamlong.com

Điều thú vị không chỉ đối với người hành hương, mà còn cả đối với du khách khi đến Hòn đá Vàng, là được trải nghiệm một đêm huyền bí cùng một sớm mai linh thiêng tại nơi mà đức tin của tín đồ Phật giáo hiển hiện trong từng cành cây ngọn cỏ. Nếu trong ráng chiều, Hòn đá Vàng trở nên trầm mặc, huyền ảo… thì khi đêm về, hòn đá thiêng rực rỡ trong ánh đèn vàng, lung linh giữa làn khói hương lan tỏa và tiếng thì thầm của những lời cầu kinh… Buổi sáng, khi mặt trời còn chưa thức giấc thì cũng là giờ kinh sớm của các nhà sư. Mới 4 giờ sáng đã có tiếng người lên đỉnh núi lao xao - những người theo đạo Phật tin rằng cầu nguyện vào giờ này, Phật tổ sẽ nghe thấu lời cầu xin.

 cầu nguyện trong khu vực của nữ giới

Những phụ nữ ngồi cầu nguyện trong khu vực của nữ giới – Ảnh: nguồn yume.vn

Bên trong gian nhà kính được phân chia thành các khu vực đảnh lễ riêng cho các nhà sư, đàn ông và phụ nữ, mọi người đều tỏ lộ lòng thành kính, tạo nên bầu khí linh thiêng của buổi lễ sớm. Ngoài kia, mặt trời đang bừng thức, mang nắng mai gõ cửa từng gian nhà trên núi. Bỗng trong phút chốc, mặt trời hiện ra nhanh đến không ngờ, tỏa sáng chói chang tạo nên những khoảnh khắc giao ban thật kỳ diệu… Có thể nói việc ngắm hoàng hôn và bình minh trên đỉnh núi là một phần thưởng đối với những ai đã nỗ lực chinh phục Hòn đá Vàng, bởi điều “ngoạn mục” này chỉ có thể cảm nhận bằng trực quan chứ không bút mực hay phim ảnh nào diễn tả hết được.

● ● ●

Chùa Kyaikhtiyo với Hòn đá Vàng là một trong những thắng tích nổi tiếng của Myanmar, được xếp vào trong số ít ỏi những tác phẩm nghệ thuật thăng bằng hoàn hảo và kỳ thú của tự nhiên. Sẽ là thiếu sót nếu du khách đến Myanmar mà không một lần ghé thăm, để chiêm ngưỡng hòn đá và ngôi chùa dát vàng nằm cheo leo trên đỉnh núi.

Hòn đá dát vàng  

Hòn đá dát vàng nằm cheo leo trên đỉnh núi – Ảnh: nguồn tourdulichvietnam.com.vn

Được chinh phục Kyaikhtiyo, được chạm tay vào Hòn đá Vàng vốn dĩ là ước mơ trong cả cuộc đời của nhiều người dân Myanmar tôn thờ Đức Phật… Một lần đến với Kyaikhtiyo, một lần được chạm tay vào Hòn đá Vàng ắt hẳn sẽ để lại trong lòng du khách cảm giác choáng ngợp và hạnh phúc, bởi đây là điều kỳ thú hiếm hoi ít khi lặp lại trong cuộc đời… 

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành