Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

CẦN THƠ


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

27/01/2014

ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ - DI SẢN VĂN HÓA CỦA NHÂN LOẠI


Đã từ lâu, Cần Thơ được xem là trung tâm kinh tế - văn hóa của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Giới thiệu Đờn ca tài tử Nam bộ, một “đặc sản văn hóa” chung của các tỉnh, thành vùng đồng bằng Nam bộ vừa được UNESCO vinh danh, chúng tôi rất lúng túng và đành tạm xếp vào chuyên mục thành phố Cần Thơ. Rất mong được Bạn đọc thông cảm cho sự khiên cưỡng này.

ASEANtraveller.net     

Ngày 5-12-2013, trong chương trình phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại Baku (Cộng hòa Azerbaijan), Đờn ca tài tử Nam bộ (Việt Nam) đã được đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây không chỉ là tin vui đối với người dân Nam bộ mà còn là tin vui của cả dân tộc Việt Nam bởi Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật đậm chất tài tử miệt vườn sông nước, tồn tại suốt trăm năm…

GẮN VỚI SÔNG NƯỚC MIỆT VƯỜN

Hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Đờn ca tài tử Nam bộ là một trong những loại hình nghệ thuật gắn liền với nếp sống sông nước, miệt vườn, thể hiện tính hào sảng, phóng khoáng của cư dân Nam bộ. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào xác định cụ thể thời điểm xuất hiện của Đờn ca tài tử Nam bộ. Qua một số tài liệu của các nhà nghiên cứu như Sơn Nam, Vương Hồng Sển…, có thể biết được các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần vương đi về phương Nam, đã đem theo truyền thống nhạc lễ và Nhã nhạc cung đình Huế. Trên đường thiên lý, nó có pha thêm chút âm hưởng của xứ Quảng và khi vào đến miền Nam, đã không còn giữ nguyên bản mà tùy biến theo thẩm mỹ, thị hiếu cùng nếp sống của cư dân Nam bộ, tạo nên một “đặc sản âm nhạc” cho vùng đất phương Nam.

 Đờn ca tài tử gắn với sông nước, miệt vườn

Đờn ca tài tử gắn với sông nước, miệt vườn – Ảnh: nguon dacohoailang.com

Không còn là những màn trình diễn nơi cung vua phủ chúa như tại nơi mà nó phát sinh, các tài tử Nam bộ đã mang các bài bản ra ngoài đồng ruộng, cắm rễ bên lũy tre làng… Cảnh vật sông nước và sự trù phú của vùng đất phương Nam đã giúp cho Đờn ca tài tử Nam bộ được “thêm hoa thêm lá” theo như cách nói của Giáo sư Trần Văn Khê. Bản chất và nếp sống của con người Nam bộ đã khiến cho các bài bản tuy vẫn giữ lại tên nhưng nét nhạc đã có nhiều biến tấu khác xa so với nguyên bản. Người đàn, người ca cũng không muốn rập khuôn như thầy đã dạy mà luôn biết thêm thắt, nhấn nhá khiến các bài bản mang dấu ấn riêng của người tài tử. Sự chuyển biến trong cách ca diễn và môi trường diễn xướng đã làm nên nét dân dã mà không thiếu phần bác học của Đờn ca tài tử Nam bộ, giúp Đờn ca tài tử dễ dàng trở thành “tiếng lòng” của người dân Nam bộ.

 Sinh hoạt Đờn ca tài tử Nam bộ

Sinh hoạt Đờn ca tài tử Nam bộ – Ảnh: nguồn flickr.com

Căn bản của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là 20 bài bản Tổ gồm 3 Nam (Nam Xuân, Nam ai & Nam ai lớp mái, Đảo ngũ cung & Song cước), 6 Bắc (Lưu thủy, Xuân tình, Phú lục, Bình bán, Tây thi, Cổ bản), 7 lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc), 4 Oán (Tứ đại oán, Giang Nam, Phụng cầu hoàng, Phụng hoàng; 4 bài Oán phụ gồm Văn Thiên Tường, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên, Xuân nữ). Nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử thường gồm đờn Kìm, đờn Tranh, đờn Cò, đờn Tỳ bà, đờn Sến, đờn Độc huyền… và gõ nhịp song lang. Vào khoảng năm 1930 có thêm cây đờn Guitar phím lõm, Hạ Uy cầm được cải biên đưa vào nhạc tài tử. Các tài tử đờn thường ngồi cùng nhau trên bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách đờn ca thảnh thơi, rỉ rả, dựa trên cái khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”.

Đờn ca tài tử trên những chiếc cầu nhỏ xinh  

Đờn ca tài tử trên những chiếc cầu nhỏ xinh – Ảnh: Huỳnh Lâm (baoanhdatmui.vn)

Trong thời gian đầu, Đờn ca tài tử Nam bộ còn khá giản đơn về hơi điệu và bài bản, chủ yếu là những bài bản đặc trưng của nhạc lễ cung đình như Long đăng, Long ngâm, Vạn giá… Đến những năm đầu thế kỷ XX, Đờn ca tài tử đã lan tỏa nhanh và thể hiện sức hấp dẫn đặc biệt. Thực tế đã hình thành các nhóm Đờn ca tài tử miền Đông do nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) quy tụ và nhóm Đờn ca tài tử miền Tây do nghệ nhân Trần Quang Quờn (tự Thầy ký Quờn) làm trưởng nhóm. Cả hai nhóm này đều đã quan tâm đến việc viết lời mới và sáng tác những bài bản mới dựa trên những bài bản nhạc lễ, đã góp phần truyền bá Đờn ca tài tử sâu rộng trong công chúng. Một số nhóm Đờn ca tài tử khá nổi tiếng bấy giờ như ban Đờn ca tài tử Vĩnh Kim, Cái Thia, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Long An, Thủ Dầu Một…

Đờn ca tài tử Nam bộ xưa  

Đờn ca tài tử Nam bộ xưa – Ảnh: tư liệu (nguồn vietpress.vn)

Theo hai nhà nghiên cứu Úc gốc Việt Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp, vào đầu thế kỷ XX đã có ban Đờn ca tài tử Nam bộ lần đầu tiên biểu diễn ở nước ngoài. Đó là ban Đờn ca tài tử Nam bộ của ông Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho, tham gia Hội chợ đấu xảo thuộc địa Marseille và đệm đờn tài tử cho vũ công Pháp múa “Vũ khúc Đông Dương” - “Danse de Indo-chine”. Khoảng đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, Giáo sư Trần Văn Khê đã thực hiện một đĩa thu âm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ giới thiệu với UNESCO. Không lâu sau đó, dưới danh nghĩa “Tuyển tập UNESCO”, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Huệ cũng đã thực hiện một đĩa thu âm gồm 11 bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ có tiêu đề “Viet Nam traditions of the South” phát hành trên thế giới và được đón nhận cách trọng thị…

Chơi Đờn ca tài tử ở nơi khuê các  

Chơi Đờn ca tài tử ở nơi khuê các – Ảnh: Huỳnh Lâm (baoanhdatmui.vn)

Hiện đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà nghiên cứu hàng đầu như GS. Trần Văn Khê, GS. Trần Quang Hải (con GS. Khê), Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (96 tuổi), Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên (Giảng viên âm nhạc tại Đại học Quốc gia Úc), Nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc - Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh)… Những nghiên cứu này đã chắp cánh đưa Đờn ca tài tử Nam bộ đến với nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới.

ĐƯỜNG ĐẾN DI SẢN…

Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới hay kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là danh sách được UNESCO đưa ra để công nhận giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể trên khắp thế giới, được bắt đầu từ năm 2001 với 19 di sản đầu tiên.

Theo quy định của UNESCO, mỗi di sản văn hóa phi vật thể muốn được công nhận phải do một hoặc nhiều quốc gia đề cử cho UNESCO, trước khi được Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO xem xét khả năng đưa vào danh sách.

 Hội thảo quốc tế về nghệ thuật Đờn ca tài tử

Hội thảo quốc tế về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn bị trình hồ sơ lên UNESCO (năm 2011) – Ảnh: nguon daibieunhandan.vn

Tại hội nghị lần thứ 3 nhóm tại Istanbul (tháng 12/2008), trong nỗ lực nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của việc bảo tồn văn hóa phi vật thể, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thống nhất phân thành hai danh sách: “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”. Theo đó, các kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đã được công bố trước đây đều được chuyển vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Một câu lạc bộ Đờn ca tài tử

Một câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở Nam bộ – Ảnh: nguồn disanthegioi.info

Về Đờn ca tài tử Nam bộ, theo hồ sơ quốc gia của Việt Nam trình UNESCO, hiện có đến 21 tỉnh, thành phố ở Nam bộ có hoạt động Đờn ca tài tử với hơn 2.000 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đều đặn và có hoạt động truyền nghề. Một số địa phương như Bạc Liêu, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh có phong trào Đờn ca tài tử phát triển mạnh, cụ thể ở Bạc Liêu tính đến đầu năm 2013 có 227 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên gồm gần 500 nghệ nhân đờn và hơn 1.500 nghệ nhân ca; trên địa bàn Cần Thơ hiện có 199 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử đang sinh hoạt đều đặn…

Liên hoan Đờn ca tài tử tại Vĩnh Long  

Liên hoan Đờn ca tài tử tại Vĩnh Long năm 2012 – Ảnh: T. Huyền (infonet.vn)

Trong nỗ lực chuẩn bị cho việc tiến tới danh hiệu “di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng ngành văn hóa các địa phương đã có nhiều hoạt động quảng bá Đờn ca tài tử với người hâm mộ trong nước và quốc tế. Một số hoạt động đáng chú ý như trình diễn Đờn ca tài tử tại quốc giỗ Hùng Vương, Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và gần đây nhất là giới thiệu Đờn ca tài tử tại Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong chương trình “Tái hiện chợ nổi Nam bộ” (tháng 11/2013)…

Sân khấu hóa Đờn ca tài tử  

Sân khấu hóa Đờn ca tài tử – Ảnh: nguồn svhttdlbinhdinh.gov.vn

Bên cạnh các hoạt động trong nước, còn có 3 sự kiện quan trọng trong lộ trình quảng bá Đờn ca tài tử năm 2013 là việc đoàn nghệ nhân Đờn ca tài tử thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bạc Liêu tham gia trình diễn, giới thiệu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại “Diễn đàn đối thoại liên văn hóa thế giới lần thứ hai” tổ chức tại Baku - Azerbaijan (tháng 6/2013), đoàn nghệ nhân Đờn ca tài tử thành phố Hồ Chí Minh trình diễn tại Hội nghị của Hội đồng Âm nhạc truyền thống thế giới lần thứ 43 tại thành phố Thượng Hải - Trung Quốc (tháng 7/2013) và các nghệ nhân Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu trình diễn, quảng bá Đờn ca tài tử tại Mỹ (tháng 11/2013).

 Liên hoan ĐCTT Tp. Cần Thơ

Liên hoan ĐCTT Tp. Cần Thơ năm 2013 – Ảnh: nguồn cailuong.org

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được đăng ký vào vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vì đáp ứng được các tiêu chí sau:

R.1: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, đồng thời, liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc;

R.2: Việc ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ vào “Danh sách Đại diện” có thể thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu;  nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế;

Quảng bá cũng là cách để bảo tồn di sản  

Quảng bá cũng là cách để bảo tồn di sản – Ảnh: Đại Thắng (toquoc.vn)

R.3: Các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước;

R.4: Hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ;

 Đờn ca tài  tử phục vụ khách du lịch

Đờn ca tài  tử phục vụ khách du lịch – Ảnh: nguồn quehuongonline.vn

R.5: Di sản đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010, với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

● ● ●

Việc Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy sự đánh giá cao của thế giới về loại hình nghệ thuật dân gian ở miền Nam Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới. Hy vọng cùng với việc vinh danh của UNESCO, Việt Nam sẽ dành nhiều ưu tiên cho bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể, đặc biệt Đờn ca tài tử Nam bộ để nhiều người, nhiều địa phương trên cả nước và khách du lịch gần, xa có thể tiếp cận với loại hình văn hóa dân dã mà cũng mang tính bác học này…

 Du khách nước ngoài với Đờn ca tài tử Nam bộ

Du khách nước ngoài hào hứng với Đờn ca tài tử Nam bộ – Ảnh: nguồn maivang.nld.com.vn

Hiện Việt Nam đã có 8 di sản phi vật thể được UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003, 2008), Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây nguyên (2005, 2008), Dân ca Quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng - Hà Nội (2010), Hát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử Nam bộ (2013).

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành