Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Du lịch Singapore


SINGAPORE

THỦ ĐÔ SINGAPORE


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".

 


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

16/07/2013

SINGAPORE - MỘT THÀNH PHỐ BA LỄ HỘI


Trong những ngày từ tháng 9 đến tháng 11, đảo quốc “Sư tử” ngập tràn ánh sáng rực rỡ lung linh trên khắp mọi ngả đường… Đây là thời điểm “nóng” nhất trong năm với ba lễ hội văn hóa ấn tượng của ba dân tộc ở Singapore tiếp nối diễn ra với những sắc màu văn hóa độc đáo khiến Singapore được mệnh danh là “một thành phố ba lễ hội”: Tết Trung Thu của người Hoa, Lễ hội Hari Raya Aidilfitri của người Malaysia và Lễ hội Ánh sáng - Deepavali của người Ấn Độ.

Bản sắc văn hóa Singapore

Tưng bừng không gian lễ hội Singapore – Ảnh: nguồn eduvietglobal.vn

Khắp nơi trên quốc đảo, từ vùng ngoại ô đến trung tâm thành phố, các trung tâm mua sắm đều rộn lên không khí sôi động tưng bừng thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa Singapore…

TẾT TRUNG THU

Tại đảo quốc Singapore, cộng đồng người Hoa chiếm hơn ba phần tư dân số và làm ăn phát đạt, chính vì vậy mà các lễ hội gắn với cộng đồng này thường được tổ chức linh đình. Tết Trung Thu là lễ hội lớn thứ hai trong năm sau Tết Nguyên đán. Theo lịch Trung Hoa, Tết Trung Thu diễn ra vào ngày 15-8 âm lịch khi mặt trăng được cho là tròn trịa và sáng nhất trong năm. Cùng ý nghĩa như cách người phương Tây mừng Lễ Tạ Ơn, cộng đồng Trung Hoa tại Singapore xem Trung Thu là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ niềm hạnh phúc an vui bên những chiếc bánh bột hạt sen ngọt bùi và tách trà thơm thảo đậm đà…

Lễ hội Tết Trung Thu

Lễ hội Tết Trung Thu – Ảnh: nguồn latest.yoursingapore.com

Tết Trung Thu gắn với một truyền thuyết khá thú vị về người bắn cung có tên Hậu Nghệ. Chuyện kể rằng Thiên Đế đã sai Hậu Nghệ bắn hạ chín trong số mười mặt trời đang thiêu đốt toàn bộ đất đai. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Hậu Nghệ được Thiên Đế ban tặng một viên tiên đơn trường sinh bất tử nhưng anh đã không uống ngay mà đem cất để dành. Một hôm Hằng Nga - vợ của Hậu Nghệ tìm thấy viên tiên đơn, không kìm nổi cơn cám dỗ đã uống nó ngay, hậu quả là cô nàng bị cuốn trôi đến mặt trăng và phải sống suốt đời cô đơn ở đó (!).

Những chiếc đèn lồng

Những chiếc đèn lồng sặc sỡ – Ảnh: Capribyfraser (nguồn danviet.vn)

Đối với cộng đồng người Hoa tại Singapore, Tết Trung Thu còn được gọi là Lễ hội đèn lồng khi vào năm 2008 tại đây đã lần đầu tiên diễn ra lễ hội lồng đèn Trung Thu thu hút khá đông khách du lịch. Về sau để tăng thêm sức hấp dẫn cho mùa lễ hội, triển lãm giới thiệu các loại bánh Trung Thu cũng được tổ chức đã hấp dẫn nhiều khách tham quan và mua sắm. Từ đó tên gọi lễ hội bánh Trung Thu cũng dần trở nên quen thuộc với nhiều người.

 Triển lãm bánh Trung Thu  

Triển lãm bánh Trung Thu – Ảnh: nguồn ion.vnexpress.net

Trong thời gian diễn ra lễ hội Tết Trung Thu kéo dài cả tháng (thường từ tháng 9 đến tháng 10 dương lịch), khu trung tâm gồm hai đường New Bridge và Eu Tong Sen chạy qua Chinatown của người Hoa trở nên lộng lẫy với cả vạn chiếc đèn lồng đủ kích cỡ và màu sắc cùng những dãy đèn trang trí thắp sáng đường phố, phảng phất hương thơm của những chiếc bánh nướng tỏa lan trong gió…

Lộng lẫy với những chiếc đèn lồng

Lộng lẫy với những chiếc đèn lồng – Ảnh: nguồn nhasing.com

Không khí tưng bừng của Tết Trung Thu càng thêm rộn ràng bởi những chương trình biểu diễn đậm nét văn hóa truyền thống, từ nhào lộn đến múa rồng, các hoạt động lễ hội như diễu hành trên phố đèn lồng, thi trang trí đèn lồng… Một trong những nét mới hấp dẫn là triển lãm bánh Trung Thu đã đem lại cho khách tham quan những trải nghiệm lý thú. Du khách đến đây có thể tìm gặp từ những loại bánh nguyên thủy với bột hạt sen, nhân đậu đỏ và khoai lang đến các loại bánh hiện đại với các nguyên liệu như sầu riêng, kem, chocolat, trà xanh, fromage tươi, mít tố nữ cùng nhiều loại hương vị khác…

Bánh Trung Thu khổng lồ

Bánh Trung Thu khổng lồ trên đường phố Singapore – Ảnh: nguồn kenh14.vn

Năm nay lễ hội Tết Trung Thu sẽ diễn ra tưng bừng từ ngày 7 tháng Chín đến ngày 4 tháng Mười năm 2013. Lễ khai hội sẽ được tổ chức từ 19 - 21 giờ tại đường New Bridge và Eu Tong Sen với nhiều tiết mục sôi động và đầy màu sắc như nghệ thuật chiếu sáng trên đường, biểu diễn múa rồng, biểu diễn múa của các đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài đến từ Đài Loan, Trung Quốc, đặc biệt màn biểu diễn pháo hoa rất ngoạn mục…

LỄ HỘI HARI RAYA AIDILFITRI

Theo Hồi lịch, Ramadan là tên gọi tháng thứ chín, trùng với khoảng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 dương lịch. Đây là tháng ăn chay của người Hồi giáo và trong suốt tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi trên khắp thế giới đều có sinh hoạt khá giống nhau, thực hiện nghiêm túc quy định tiết độ được cụ thể hóa qua việc nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn (từ 4:00 đến 18:00 mỗi ngày).

 Chào mừng Hari Raya Aidilfitri

Chào mừng Hari Raya Aidilfitri – Ảnh: nguồn latest.yoursingapore.com

Đúng như tinh thần của tháng Ramadan là thanh luyện, ngoài việc biểu tỏ lòng sùng kính đối với Thượng đế bằng việc dành nhiều thời gian cầu nguyện trong các nhà thờ và đọc kinh Koran, người Hồi giáo còn thực hiện tiết độ qua việc nhịn ăn, tránh xa những cám dỗ hay ham muốn nhục dục, rèn luyện sự nhẫn nại, làm việc thiện và hướng đến những người kém may mắn… Do phải ăn chay cả ngày nên khi màn đêm buông xuống, gia đình và bạn bè những người Hồi giáo thường tụ tập tổ chức ăn uống cùng nhau. 

Sắc màu lễ hội

Sắc màu lễ hội – Ảnh: Nguyen Minh (khampha.thethaovanhoa.vn)

Sau một tháng “chay tịnh”, người Hồi giáo tại Singapore sẽ tổ chức 3 ngày tiếp theo với lễ hội Hari Raya Aidilfitri tưng bừng như một dịp mừng công với rất nhiều màu sắc và sự náo nhiệt… Trung tâm Di sản Malay ở Kampong Glam sẽ là tâm điểm của lễ hội với các hoạt động biểu diễn văn hóa và di sản Mã Lai. Các khu Kampong Glam và Geylang Serai được tô điểm bởi hoa đăng muôn màu, các khu hội chợ và các gian ẩm thực bày bán quần áo, trang sức, đồ thủ công, hàng lưu niệm…, thức ăn của người Mã Lai.

Trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống “baju kurung” – Ảnh: nguồn etstravel.vn

Người dân Singapore bất kể sắc tộc hay tín ngưỡng đều rất thích tới chợ đêm, đặc biệt vào cuối tuần để mua các vật dụng cần thiết như các bộ trang phục truyền thống Mã Lai “baju kurung” được may sẵn và thêm thắt vào nhiều chi tiết hiện đại, những chiếc vỏ đệm dệt bằng tay, những tấm thảm Ba Tư giá rẻ hay những chiếc lọ cắm hoa…

Không gian hội chợ Hari Raya

Không gian hội chợ Hari Raya – Ảnh: nguồn osc.edu.vn

Tháng Ramadan là thời điểm tuyệt vời để trải nghiệm văn hóa và di sản Mã Lai. Du khách đến Singapore sẽ có dịp nhìn ngắm các con phố rực sáng bắt mắt trên các ngả đường của Geylang Serai, nơi các phiên chợ đêm mở cửa từ đầu chiều đến tối muộn. Một trong những nét hấp dẫn của lễ hội là ẩm thực. Sẽ là thiếu sót nếu du khách bỏ qua cơ hội khám phá văn hóa ẩm thực phong phú của người Mã Lai, từ những món ăn truyền thống trong gia đình như món bò cay om tẩm gia vị “rendang”, cà-ri rau quả “sayur lodeh”, bánh gạo Mã Lai “ketupat” đến các món quà vặt truyền thống như “kueh-kueh”, bánh “ondeh-ondeh” nhân đường cọ, món tráng miệng “putu piring” hấp với nhân dừa bào…

Náo nhiệt mùa lễ hội

Náo nhiệt mùa lễ hội Hari Raya Aidilfitri – Ảnh: nguồn 24h.com.vn

Nếu có mặt ở Singapore vào mùa lễ Hari Raya Aidilfitri, du khách đừng quên tỏ rõ sự thân thiện và niềm vui hòa nhập khi chào hỏi mọi người bằng lời cầu chúc “Selamat Hari Raya”…

DEEPAVALI - LỄ HỘI ÁNH SÁNG

Deepavali là lễ hội truyền thống và quan trọng nhất của đạo Hindu, được những người Hindu mộ đạo trên khắp thế giới tổ chức. Ý nghĩa của lễ hội là nhằm tôn vinh sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, của ánh sáng trước bóng tối. Deepavali có nghĩa đen là “hàng ánh sáng”.

Sắc màu lễ hội Deepavali

Sắc màu lễ hội Deepavali – Ảnh: nguồn dulichcongvu.com

Lễ hội Deepavali gắn với truyền thuyết về một vị quốc vương tên Nakarasura được sự ủng hộ của Thần Bóng Đêm, đã cai trị vương quốc Pradyoshapuram với tất cả sự hà khắc và tàn bạo. Không thể chịu đựng nổi sự thống trị bạo ngược, những người dân lành Pradyoshapuram đã tìm đến cầu cứu sự che chở của vị thần Sri Krishna trị vì xứ Madura. Cảm thông với những thống khổ mà người dân Pradyoshapuram phải gánh chịu, Thần Sri Krishna đã ra tay tiêu diệt tên bạo chúa, giải phóng họ khỏi bóng đêm khổ lụy triền miên. Vui mừng trước chiến thắng của Thần Sri Krishna, người dân đã thắp đèn ăn mừng chiến thắng và gọi đó là “Deepavali”…

Lễ hội Ánh sáng

Lễ hội Ánh sáng – Ảnh: nguồn latest.yoursingapore.com

Cho đến nay, người Hindu vẫn tiếp tục kỷ niệm chiến thắng của Thần Sri Krishna trước bạo chúa bằng tập tục thắp đèn dầu, vì thế “Deepavali” cũng chính là “lễ hội thắp đèn” hay “lễ hội ánh sáng”. Trong lễ hội này, mọi người đều mặc quần áo mới và cùng thưởng thức bánh kẹo. Một số cộng đồng Ấn Độ còn bắt đầu tính năm tài chính từ ngày lễ hội Deepavati vì họ tin rằng làm như vậy sẽ mang lại sự may mắn và thịnh vượng. 

Rực rỡ sắc màu lễ hội Ánh sáng

Rực rỡ sắc màu lễ hội Ánh sáng – Ảnh: nguồn asiaone.com

Tại Singapore, “Deepavali” được gọi là Lễ hội Ánh sáng, diễn ra tại khu Tiểu Ấn (Little India) từ 1-10 đến 6-11 hàng năm. Công việc chuẩn bị cho lễ hội thường từ 2 - 3 tuần trước ngày lễ chính. Người Hindu lau dọn, thậm chí còn sửa sang nhà cửa để đón lễ Deepavali. Họ có cách ăn mừng truyền thống với nghệ thuật vẽ “henna” trên bàn tay - những hình xăm tạm thời này thường được các nghệ nhân thực hiện miễn phí cho những ai có nhu cầu. (Henna là tên gọi một loại cây có hoa dùng để nhuộm da, tóc, móng tay, kể cả da thuộc và len…).

Deepavali hạnh phúc

Deepavali hạnh phúc – Ảnh: nguồn eduvietglobal.vn

Các hoạt động chính của lễ hội bao gồm lễ hội Navarithirri (lễ hội “chín đêm”), hội Theemithi (lễ hội đi trên lửa) cùng các màn biểu diễn đường phố… Vào ngày chính lễ, người Hindu thường thức dậy từ sáng sớm, khoảng 3 giờ sáng để thực hiện nghi lễ đầu tiên là tắm dầu thơm và mặc quần áo mới. Truyền thống Hindu cũng bày tỏ sự kính trọng đối với người lớn tuổi, trong ngày lễ này cả gia đình thường tới đền thờ để cầu nguyện cho hạnh phúc, trường thọ và cả thịnh vượng…

Lung linh sắc màu

Lung linh sắc màu – Ảnh: nguồn etour-singapor.com

Trong thời gian diễn ra Lễ hội Ánh sáng, toàn bộ con đường Serangoon được trang hoàng rực rỡ với nhiều màu sắc mang đầy tính nghệ thuật. Các hoạt động văn hóa lễ hội như triển lãm di sản và thủ công Ấn Độ, khu nghệ thuật sắp đặt, lễ diễu hành đường phố, buổi hòa nhạc đếm ngược thời gian, những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của nền văn hóa Ấn Độ đều diễn ra trên đường Campbell Lane và góc phố Kerbau. Các gian hàng lễ hội được trang trí với hoa thơm, vòng hoa sử dụng trong lúc cầu nguyện, đèn dầu truyền thống và trang phục Sari tuyệt đẹp, nhiều đồ trang sức tinh xảo cùng các tác phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống của Ấn Độ cũng được bày bán ở các phiên chợ lễ hội.

Khu chợ hội Deepavati nhộn nhịp

Khu chợ hội Deepavati nhộn nhịp – Ảnh: nguồn amitdutta.com

● ● ●

Đất nước Singapore với tính chất đa dân tộc dường như lúc nào cũng rộn ràng không khí lễ hội. Vào những ngày tháng Chín, khi Tết Trung Thu của người Hoa diễn ra sôi nổi tại Chinatown thì cũng là lúc cộng đồng người Hồi giáo Malaysia chuẩn bị vào tháng Ramadan và khép lại tháng chay bằng lễ hội Hari Raya Adilfitri. Trong thời gian này, đến lượt mình người Ấn Độ theo đạo Hindu cũng chuẩn bị bước vào mùa lễ hội Ánh sáng - Deepavali.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Lễ hội - sản phẩm du lịch độc đáo – Ảnh: nguồn loichuchaynhat.com

Tuy mỗi lễ hội kéo dài cả tháng nhưng do gối vào nhau mà thời gian của cả ba lễ hội đã gói gọn trong khoảng hai tháng, tạo nên một khoảng thời gian kín kẻ, lý tưởng cho những nhà làm kế hoạch. Phải nhận rằng người Singapore đã khéo vận dụng cả không và thời gian lễ hội để biến thành một sản phẩm du lịch độc đáo, giới thiệu đến mọi người một đất nước Singapore sinh động, ấn tượng và rộn rã sắc màu…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)    

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành