VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
TIỀN GIANG
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
17/06/2013
KHU DI TÍCH CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT
Tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây và ngay tỉnh lộ 864, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong tại nơi được xem là “phên dậu” của tổ quốc ở phía Nam.
Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh: nguồn vietnamdefense.com
Rạch Gầm là một nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Tiền, đoạn gần thành phố Mỹ Tho, còn được biết đến với tên gọi Sầm Giang hay Ca Răm (có nghĩa là con Cọp). Cách Rạch Gầm 7km, Xoài Mút cũng là một chi lưu của sông Tiền, có chiều dài chừng 8km. Cả hai nhánh sông này cùng tách ra rồi lại đổ vào sông Tiền, một nhánh lớn của sông Cửu Long (Mekong).
THEO DÒNG LỊCH SỬ
Tháng 2 năm 1784, trước viễn cảnh thế cùng lực kiệt và liệu không thể đương cự nổi với cuộc đấu tranh giai cấp đang ngày càng lớn mạnh, Nguyễn Ánh đã đi từ chỗ đối nghịch với phong trào Tây Sơn đến chỗ phản bội quyền lợi của dân tộc, cam tâm rước giặc Xiêm La về giày xéo đất nước. Nhận được sự cầu viện từ Nguyễn Ánh, vua Xiêm La đã nhanh chóng cử hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem năm vạn quân sang xâm lược Đại Việt bằng cả hai ngã thủy, bộ.
Dòng nước sông Tiền – Ảnh: nguồn phnhan.vncgarden.com
Được tin quân Xiêm La hoành hành, phong trào Tây Sơn đã kịp chuyển hóa cách thần kỳ, vượt qua giới hạn của cuộc đấu tranh giai cấp để đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, tấn công không khoan nhượng vào cả thù trong lẫn giặc ngoài. Tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đã kéo quân vào Nam đóng tại Mỹ Tho đại phố, chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7km, rộng từ 1 – 2 km, nơi giữa sông có cù lao Thới Sơn và cù lao Hộ (còn gọi là Bãi Tồn) với cây cối rậm rạp rất thuận tiện cho việc giấu quân và mai phục để làm điểm quyết chiến. Tại đây, Nguyễn Huệ đã có dịp bổ sung binh lực khi thu phục một số nông dân địa phương tham gia vào hàng ngũ nghĩa quân.
Sơ đồ các mũi tiến công và mai phục – Ảnh nguồn phnhan.vncgarden.com
Đêm 19 rạng 20 tháng 1/1785 (9 - 10 tháng 12 năm Giáp Thìn) vào khoảng đầu canh năm, lợi dụng thủy triều trôi theo dòng sông, Chiêu Tăng đã chủ động tấn công Mỹ Tho đại phố với ý đồ phá vỡ đội thuyền của quân Tây Sơn. Tương kế tựu kế, quân Tây Sơn đã giả thua rút chạy nhữ địch lọt vào trận địa mai phục Rạch Gầm - Xoài Mút.
Mô hình tàu chiến của quân Tây Sơn – Ảnh: nguồn tainguyenmn.com
Khi pháo lệnh của quân Tây Sơn nổ vang ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền cũng là lúc Nguyễn Huệ đã cho khóa chặt ở hai chốt tiền tiêu dồn thủy quân Xiêm La vào thế gọng kìm tứ bề thọ địch. Đang khi thủy quân Xiêm La còn hoang mang tiến thoái lưỡng nan thì pháo hỏa hổ ở hai bờ đã nã đạn tới tấp, cùng lúc đó một đội thuyền cảm tử quân chở đầy rơm cùng những vật liệu dễ cháy đã đâm thẳng vào thuyền giặc làm cho nhiều thuyền bị chìm hoặc cháy, đội hình Xiêm La bị rối loạn, binh sĩ hốt hoảng tìm đường trốn thoát…
Súng thần công của quân Tây Sơn – Ảnh: nguồn phnhan.vncgarden.com
Không khác mấy số phận tan tác của thủy quân, cánh quân trên bộ của Xiêm La cũng bị quân Tây Sơn đánh chặn không cho cứu viện và hợp đồng tác chiến. Nguyễn Ánh may mắn được Mạc Tử Sanh bảo vệ trốn sang Xiêm La, còn Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy theo hướng Tây Ninh tìm đường trở về Xiêm La… Vậy là chỉ với một trận đánh diễn ra không đầy một ngày, quân Tây Sơn đã làm chủ tình thế, tiêu diệt gần năm vạn quân Xiêm La.
DI TÍCH CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT
Trong nỗ lực làm sống mãi chiến tích hào hùng đã đi vào lịch sử của xứ Đàng Trong, cổ súy niềm tự hào dân tộc và giáo dục truyền thống giữ nước cho các thế hệ mai sau, di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã được tiến hành xây dựng từ năm 2001 và khánh thành vào ngày 20-01-2005, đúng dịp kỷ niệm 220 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Tranh gốm sứ tại khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh: nguồn avala.vn
Được xây dựng tại ấp Đông, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút có một vị trí khá đẹp và thoáng mát bên bờ sông Tiền hiền hòa với những đám dừa nước xanh tươi trong nắng, lại ngay cạnh tỉnh lộ 864 nên rất thuận tiện cho du khách đến cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ.
Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh: nguồn avala.vn
- Tượng đài chiến thắng nằm ngay trung tâm khu di tích, thể hiện vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong tư thế rút gươm rất uy dũng, bên cạnh là một binh sĩ đang giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền, được bố cục hài hòa trong một tổng thể mô phỏng hình chiến thuyền làm liên tưởng đến chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút năm xưa. Tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện bằng nguyên liệu đồng, cao hơn 8m, nặng 20 tấn. Dưới chân tượng đài là công trình kiến trúc dạng đền được trang trí bằng dãy phù điêu chất liệu đồng, phác họa hình ảnh con người và chim hạc được mượn từ mặt trống đồng cổ…
Đồ gốm sứ liên quan đến trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh: nguồn avala.vn
- Nhà trưng bày số 1 nằm ngay dưới chân tượng đài, rất độc đáo với dãy tranh ghép gốm gồm ba chương, thể hiện các giai đoạn khẩn hoang lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn, với chiều cao 1,8m có diện tích 57m²; ngoài ra còn hai mãng phù điêu khác khắc họa hình chim muông và cây trái miền Nam với diện tích 13m².
Hiện vật trưng bày tại khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh: nguồn avala.vn
- Nhà trưng bày số 2 trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm - Xoài Mút, với 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những khẩu súng thần công được đúc bằng sắt nặng 20kg, đá đạn của súng hỏa hổ cùng những đồ dùng của quân Xiêm La như đồ gốm, gươm, những hiện vật xuất hiện sau chiến thắng như tiền Thái Đức, tiền Quang Trung, tiền Cảnh Thịnh…
Nhà cổ trong khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút – Ảnh: nguồn avala.vn
- Nhà cổ Nam Bộ là hình ảnh gợi lại quá khứ một thời cha ông đi khẩn hoang mở đất. Đây là ngôi nhà cổ với diện tích 225m², được phục chế và di chuyển nguyên vẹn từ huyện Gò Công, gồm 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương… Các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện cuộc sống của những phú nông đất Nam Bộ xưa…
● ● ●
Có thể nói, trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ là một cống hiến xuất sắc của phong trào Tây Sơn mà còn phản ánh quá trình chuyển hóa về chất của chính phong trào này, trở thành nguồn cảm hứng và là cơ sở cho cuộc hành binh thần tốc mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đại phá quân Mãn Thanh (trận Ngọc Hồi - Đống Đa). Việc hình thành Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã thể hiện tầm vóc lớn lao của chiến thắng này và tấm lòng trọng thị của người đời sau đối với chiến công vang dội một thời của các bậc tiền nhân…
Tranh gốm sứ ghi lại chiến công của quân Tây Sơn – Ảnh: nguồn avala.vn
Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Tại đây vào những năm chẵn, lễ hội “Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút” được tổ chức trong hai ngày với nhiều chương trình phong phú và sinh động, đã hấp dẫn ngày càng nhiều du khách cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- DI TÍCH NHÀ ĐỐC PHỦ HẢI TẠI GÒ CÔNG 21/08/2017
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn