Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

CẦN THƠ


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

19/03/2013

ĐÌNH BÌNH THỦY (TP. CẦN THƠ)


Nằm bên dốc cầu Bình Thủy trên tuyến quốc lộ 91 thuộc địa phận phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5km, đình Bình Thủy hay Long Tuyền cổ miếu là một công trình kiến trúc tâm linh tiêu biểu cho tinh thần phóng khoáng của cư dân lúa nước Nam bộ, mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa buổi sơ khai của những người đi khai hoang mở cõi…

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Nguyên vào năm Giáp Thìn (1844), một trận bão lụt hoành hành dữ dội đã đẩy người dân làng Bình Hưng (tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang) lâm cảnh ruộng vườn nhà cửa tiêu tan, phải tạm sống cảnh tha phương. Sau một thời gian, họ đã trở về lập lại làng và không quên lập một ngôi đình bằng tre gỗ, lợp mái lá tại vàm rạch Bình Thủy để cầu nguyện thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, đời sống bà con luôn được hạnh phúc khang an.

 Di tích quốc gia đình Bình Thủy

Di tích quốc gia đình Bình Thủy – Ảnh: Hoa Đạo (nguồn tinkinhte.com)

Vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), quan Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt trong một lần tuần thú bằng hải thuyền, lúc đến gần Cồn Linh nơi đầu vàm rạch Bình Thủy đã gặp một trận cuồng phong lớn khiến mọi người phải một phen kinh hải, may mắn thuyền đã kịp tấp vào vàm rạch Bình Thủy và mọi người đều được bình an vô sự. Qua tìm hiểu, biết nơi đây quanh năm cây trái tốt tươi, dân tình an cư lạc nghiệp, quan Khâm sai đã đặt tên cho vùng đất này là “Thôn Bình Thủy” với ý nghĩa là dòng nước bình an. Sau này khi trở về triều, ông còn tâu xin vua Tự Đức ban sắc phong thần cho làng Bình Thủy. Nhà vua đã hạ chỉ phê sắc phong thần cho làng là Bổn Cảnh Thành hoàng ngày 29-11-1852 (năm Nhâm Tý). Từ đó làng có tên mới là Bình Thủy và nơi thờ tự cũng được gọi là đình Bình Thủy.

 Tam quan đình Bình Thủy

Tam quan đình Bình Thủy – Ảnh: nguồn clbdonghanhviet.blogspot.com

Sau khi được Nhà vua sắc phong, vào năm 1853 dân làng đã cùng nhau cất lại đình, lợp ngói phía trước đình để xây thêm nhà võ ca làm nơi hát bộ. Tại đây có một sân khấu nhỏ bằng gỗ và thấp để các đoàn hát biểu diễn phục vụ cộng đồng. Theo tác giả Huỳnh Minh trong “Cần Thơ xưa và nay”, thì đình còn thờ Trầm Hương công chúa và Huệ Cơ công chúa nhưng không thấy nêu rõ sự tích. Về sau cư dân còn đưa thêm vào thờ những sĩ phu thời kháng Pháp như Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa…

 Đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy – Ảnh: nguồn skydoor.net

Năm 1904, quan tri phủ lúc bấy giờ là Nguyễn Đức Nhuận thấy đình quá xập xệ, đã đề nghị cất lại đình ở ngã tư trên sở đất rộng 2,9ha của làng. Một nghiệp chủ là ông La Xuân Thành đã hưởng ứng, giúp đỡ tiền và chỉ huy việc xây dựng. Đáng tiếc là quan tri phủ đoản mệnh, việc xây dựng cũng bị đình trệ theo. Đến năm 1909, ông cả Nguyễn Doãn Cung cùng thông gia là một điền chủ đã tán đồng việc xây dựng lại ngôi đình tại vị trí cũ với số tiền chung góp là 5.823 đồng Đông Dương. Ngôi đình mới được ông Huỳnh Trung Trinh thiết kế, khởi công từ 12-7-1909 qua năm sau thì hoàn thành với diện mạo còn đến ngày nay. 

 Tam quan mới

Tam quan mới đình Bình Thủy nhìn ra sông Hậu – Ảnh: nguồn maryaanhthu.blogspot.com

Điều đáng lưu ý là vào năm Mậu Thân (1908), các hương chức hội tề trong làng đã có cuộc luận bàn khá sôi nổi về “long cục”, họ cho rằng rạch Bình Thủy có hình tựa con rồng nằm và đã đi đến quyết định đổi tên thôn Bình Thủy thành làng Long Tuyền, riêng tên rạch vẫn giữ lại như cũ. Vì vậy mà khi ngôi đình mới xây xong đã được gọi là đình thần Long Tuyền hay “Long Tuyền Cổ Miếu”. Đến năm 1979, xã Long Tuyền được chia làm 3 đơn vị hành chánh là phường Bình Thủy, phường An Thới và xã Long Tuyền, lúc này đình Long Tuyền thuộc địa phận phường Bình Thủy nên đã được hoàn danh với tên gốc Bình Thủy.

KIẾN TRÚC VÀ BỐ CỤC

Tọa lạc trên một khoảnh đất rộng 4.000m², đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc tôn giáo mang tính nghệ thuật khá độc đáo. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ XX nhưng kiến trúc của đình đã thể hiện không chỉ nét tinh túy của văn hóa sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn cả dấu ấn truyền thống của một làng cổ Nam bộ.

 Công trình mở rộng

Công trình mở rộng đình Bình Thủy – Ảnh: nguồn xdhoabinh.com

Khác hẳn nhiều công trình cùng loại ở miền Bắc, đình Bình Thủy được cất trên một nền cao ráo, thoáng rộng và có chiều sâu, gồm khu đình chính và khu “lục ấp”. Khu đình chính được bố cục theo lối chữ nhất, ngoài hai nhà vuông là tiền đình và chánh điện, còn có ba ngôi nhà khác nối hai nhà vuông lại với nhau. Khu “lục ấp” gồm nhà hát và khu nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Ngoài ra còn có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, hai miếu khác thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn thủy ở gần cổng đình.

 Chánh điện đình Bình Thủy

Chánh điện đình Bình Thủy – Ảnh: Đăng Định (nguồn panoramio.com)

Cấu trúc hai nhà vuông khá đặc biệt với 6 hàng cột ở mỗi cạnh, mỗi hàng gồm 6 cột tạo nên một kết cấu vững chắc. Tại nhà tiền đình thiết kế hai mái ngói chồng lên nhau và ở nhà chánh điện là ba mái ngói chồng lên nhau theo kiểu “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc trang trí cặp rồng uốn lượn theo lối “lưỡng long tranh châu”, các gác mái đình lại bài trí nhiều hình bát tiên, các linh vật như long, lân, qui, phụng… tạo nên vẻ sinh động độc đáo. Dọc theo các hàng cột và vì kèo là hệ thống hoành phi, câu đối rất phong phú với những nét chữ chỉnh chạc, đặc biệt có những câu đối dài 3 - 4m được sơn son thếp vàng trông thật cổ kính uy nghi.  

Nghệ thuật trang trí trên nóc đình  

Nghệ thuật trang trí trên nóc đình – Ảnh: nguồn vietlandmarks.com

Nghệ thuật khắc chạm gỗ ở đình Bình Thủy hết sức tinh tế, thể hiện qua những mảng chạm, những họa tiết trang trí rất gần gũi với đời sống và nghệ thuật dân gian cổ truyền. Hệ thống chữ Hán trên các long bài, bài vị, hoành phi, câu đối ở đây cũng có giá trị cao, trở thành điểm tham khảo thú vị đối với những ai yêu nghệ thuật thư pháp.

Bố cục bên trong chánh điện  

Bố cục bên trong chánh điện – Ảnh: nguồn dulichgo.blogspot.com

Việc bố trí các ban thờ trong đình với cách thờ thần khá đa dạng và phong phú đã phản ánh sự hỗn dung văn hóa, đồng thời cũng phần nào giới thiệu tính phóng khoáng cởi mở, lòng bao dung đón nhận mọi tinh hoa của cư dân qua không gian và thời gian. Tại tòa tiền đường có đặt ban thờ Nghi Hạ, Nghi Trung ở gian giữa, riêng ban thờ Nghi Thượng được đặt ở nhà vuông nhỏ dành cho nghi lễ chính của những ngày lễ hội. Tại tòa chính điện, chính giữa đặt ban thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là ban thờ hương chức Tiên Giác, phía trong là ban thờ Hậu hiền. Đối xứng về phía bên phải là ban thờ chức sắc Tiên giác và ban thờ Tiền hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có ban thờ Hậu thần, hai bên là hai ban thờ Hữu bang và Tả bang…

 Bia di tích đình Bình Thủy

Bia di tích đình Bình Thủy – Ảnh: Bùi Văn Bồng (nguồn qdnd.vn)

● ● ●

Đáng mừng là trải qua thời gian với nhiều biến động, đình Bình Thủy vẫn được các thế hệ kế tục trân trọng gìn giữ, trùng tu và tôn tạo… Việc cúng đình Bình Thủy cùng với những sinh hoạt văn hóa khác, từ lâu đã trở thành một nghi thức truyền thống bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước, tạo nên một bản sắc riêng của ngôi đình làng ở nơi tiền nhân đi mở cõi…

Đình Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận “Di tích văn hóa quốc gia” ngày 5-9-1989. Hàng năm đình có hai ngày hội: lễ Thượng điền - cúng Bổn Cảnh Thành hoàng từ ngày 12 – 14 tháng Tư âm lịch và lễ Hạ điền vào các ngày 14 – 15 tháng Chạp.

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành