VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
BÌNH THUẬN (PHAN THIẾT)
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
08/03/2013
CHÙA NÚI TÀ CÚ - LINH SƠN TRƯỜNG THỌ
Nằm ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam - tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam, Tà Cú là ngọn núi dài nhất châu Á có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Nơi đây phong cảnh hữu tình với bờ biển trải dài, đá núi đủ hình dạng được bao phủ bởi các loại cây rừng lưu niên đã tạo cho Tà Cú một vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ.
Chùa Núi Tà Cú ngày nay – Ảnh: nguồn tcdulichtphcm.vn
Tọa lạc bên sườn núi ở độ cao 420m là ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ, nổi tiếng với pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất Việt Nam ngày 2-1-2006 và vào ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi dài nhất châu Á. (*)
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHÙA NÚI TÀ CÚ
Nguyên vào hậu bán thế kỷ XIX, có một thanh niên thuộc gia đình vọng tộc ở Phú Yên, sau khi cha mẹ mất đã dong thuyền vào Nam tầm sư học đạo. Nơi anh đến đầu tiên là chùa Bửu Lâm thuộc phái Thiền Lâm Tế (Phan Thiết), được ngài Trí Chất nhận cho thọ giới và ban pháp danh Thông Ân. Sau khi vị bổn sư viên tịch, thầy Thông Ân đã đến xứ Bàu Trâm dựng am vừa tu học vừa bốc thuốc phục vụ người dân trong vùng. Cảm mến ân đức của thầy, người dân đã giúp thầy dựng chùa Kim Quang. Tại đây thầy đã mời Tổ Bảo Tạng về lập giới đàn truyền Cụ tức giới, đặt pháp hiệu Hữu Đức.
Tam quan chùa Núi Tà Cú – Ảnh: Tô Lợi (nguồn panoramio.com)
Năm 1872, sau khi được thọ giới, nhà sư Hữu Đức đã dốc tâm tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc để trì chú tu hành, và đã chọn ẩn tu trong một hang đá trên ngọn núi Tà Cú. Tương truyền tại đây nhà sư đã cảm hóa được một bạch hổ ở trong rừng. Hang đá này ngày nay được gọi là hang Tổ.
Tháp Tổ Hữu Đức – Ảnh: nguồn mytour.vn
Vào năm Tự Đức 33 (1880), khi hoàng thái hậu Từ Dũ bị bệnh nặng, các thái y trong triều đã hầu như bất lực. Có người biết tiếng nhà sư Hữu Đức là một thầy thuốc giỏi đã tâu trình xin rước thầy về triều giúp trị bệnh. Do quyết tâm ẩn tu và không có ý định hạ sơn, sư thầy chỉ kê toa gởi sứ mang về trị bệnh cho hoàng thái hậu. Nhờ vào thuốc mà nhà sư Hữu Đức kê toa, bệnh của hoàng thái hậu đã được chữa khỏi. Để tạ ơn, vua Tự Đức đã ân tứ sắc phong “Linh Sơn Trường Thọ” và ban gọi nhà sư là “Đại lão hòa thượng”, từ đó chùa mang tên Linh Sơn Trường Thọ.
Không gian cổ kính – Ảnh: Nguyễn Luân (vietnam.vnanet.vn)
Khi nhà sư Hữu Đức viên tịch vào ngày 5 tháng Mười năm Đinh Hợi (1887), thọ 76 tuổi, tháp mộ đã được xây cạnh chùa, gần đó có ngôi mộ nhỏ của bạch hổ tương truyền đã được nhà sư Hữu Đức thuần hóa. Trước và sau chùa còn có tháp mộ của các đệ tử truyền thừa như Tâm Tố, Tâm Hiền, Thanh Minh, Quảng Thành, Tường Vân, Ân Tâm, Thục Thọ, Minh Nhật…
Chùa Linh Sơn Long Đoàn – Ảnh: nguồn vncgarden.com
Năm 1890, nhà sư Tâm Hiền Viên Huệ (1846-1924) đã khai sơn chùa Linh Sơn Long Đoàn ở phía dưới gần ngay cạnh chùa Linh Sơn Trường Thọ. Nhiều người quen gọi chùa Long Đoàn là chùa “Dưới” để phân biệt với chùa “Trên” tức chùa Linh Sơn Trường Thọ. Chùa Long Đoàn đã được trùng tu vào các năm 1932, 1938, 1960.
LINH SƠN TRƯỜNG THỌ QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ đã được trùng tu lần thứ nhất vào thời hậu tổ đời hòa thượng Thích Thiên Thắng trụ trì. Theo di chúc của hòa thượng Thích Thiên Thắng, hòa thượng kế vị Thích Vĩnh Thọ (1905 - 1982) đã vạch chương trình trùng hưng và đến năm 1958 đã phát nguyện xây dựng cảnh tịnh độ nhân gian đề chúng sanh làm nơi quy hướng. Năm 1962, thầy Vĩnh Thọ lại phát nguyện tôn trí pho tượng Đức Thích Ca nhập Niết bàn. Dựa trên phác thảo của thầy Vĩnh Thọ, ông Trương Đình Ý cùng những kíp thợ đã cùng nhau tạo tác, xây dựng pho tượng trên một dốc núi của đỉnh Tà Cú nằm phía trên chùa, cách hang Tổ chỉ chừng 50m. Công trình được tiến hành từ năm 1963 kéo dài đến năm 1966 mới hoàn thành.
Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn – Ảnh: nguồn tigontravel.com
Pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được bố cục trong tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên tay, lưng tựa vào vách núi, trên một tổng thể mặt bằng có chu vi đến 832m. Tượng có chiều dài 49m tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập Niết bàn, bề ngang bàn chân 8,8m, hai bàn chân xếp chồng cao 4,9m, chiều cao từ vai xuống sàn là 12,2m…
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn – Ảnh: nguồn hvaforum.net
Trong thời gian này, bộ tượng Di Đà Tam Tôn đứng trên đài sen cũng được xây dựng cách pho tượng này chừng 50m về phía trước chùa, xếp thành một hàng ngang, gồm tượng A Di Đà ở giữa cao 7m, tượng Quán Thế Âm bên trái và tượng Đại Thế Chí bên phải đều cao 6,5m.
Chùa mới đang xây dựng – Ảnh: nguồn dulich.baobinhthuan.com.vn
Linh Sơn Trường Thọ đã được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận trọng thể đặt đá khởi công đại trùng tu ngày 7-5-1993. Đến năm 2006, Linh Sơn Trường Thọ được xây dựng lại, tôn tạo theo hướng vững chãi, dự kiến đến năm 2014 sẽ tổ chức lễ lạc thành. Điểm đáng chú ý ở đây, tuy chánh điện, tháp bảy tầng… đều được xây dựng bằng các loại vật liệu đá, cát và xi-măng, sắt, thép nhưng theo lối kiến trúc cổ nên thoạt nhìn cứ tưởng các đòn, kèo đều được kết cấu bằng gỗ. Đặc biệt các pho tượng Bổn sư, Đạt Ma Sư tổ, Tổ sư Hữu Đức đều được khắc tạc bằng đá.
DANH LAM THẮNG CẢNH TÀ CÚ HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH
Tuy chỉ cao 649m nhưng với thế núi cận biển giữa cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, trên núi lại có ngôi cổ tự mang vẻ đẹp trầm mặc được vua Tự Đức ban sắc tứ, Tà Cú từ xưa đã nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh ở dải đất miền Trung. Năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận di tích danh lam thắng cảnh núi Tà Cú là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Núi Tà Cú - điểm du lịch hấp dẫn – Ảnh: Nam Kha (phanthietvn.com)
Không chỉ là vùng kỳ sơn tú thủy với nhiều dòng suối róc rách tuôn nước chảy trong ngần và cứ mỗi độ xuân về lại nở đầy hoa Mai vàng, hoa Vông đỏ làm thơm nức cả cánh rừng, Tà Cú còn là rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia với thảm động thực vật phong phú gồm hơn chục loài qúy hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới như Thằn lằn đá Gekko takouensis sp. Nov. Ngô & Gamble, Thằn lằn chân ngón Cyrtodactylus takouensis Ngô & Bauer, Gà gô, Diều núi, Voọc bạc Trường Sơn, Chà vá chân đen…, các loại cây qúy như Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana… và trên 150 loài cây thuốc.
Cổng vào khu du lịch Tà Cú – Ảnh: nguồn tacutourist.com
Năm 2002, Khu du lịch Tà Cú được thành lập dưới chân núi với diện tích theo qui hoạch đến 24 ha. Với số tiền đầu tư khoảng 65 tỷ đồng, nhiều công trình phục vụ khách du lịch đã được xây dựng, đặc biệt hệ thống cáp treo hiện đại đưa khách lên núi Tà Cú, do hãng Doppelmay của Cộng hòa Áo lắp đặt. Ngày 12-9-2003, Công ty Du lịch Bình Thuận đã chính thức đưa hệ thống cáp treo trên tuyến đường cáp dài 1.604m và độ cao đến 505m vào hoạt động. Cáp treo Tà Cú gồm 25 cabin đóng mở tự động, mỗi cabin chứa 6 người và thời gian di chuyển khoảng 8 phút. Theo công suất thiết kế, mỗi giờ hệ thống cáp treo có thể vận chuyển từ 700 đến 1.000 khách.
Nhà ga và đường cáp treo – Ảnh: Nam Kha (phanthietvn.com)
Trước đây khi chưa có hệ thống cáp treo, khách hành hương hay vãng cảnh chùa phải vượt qua hàng ngàn bậc đá với đoạn đường quanh co gần 2.000m, nhiều đoạn dốc đá chênh vênh. Điều thú vị là bên những con đường ngoằn nghèo giữa khu rừng cây hoang sơ ấy, du khách lại cảm thấy gần gũi khi nghe tiếng nước chảy róc rách từ khe đá hoặc tiếng chim hót véo von giữa đại ngàn… Với hệ thống cáp treo ngày nay, du khách sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác bồng bềnh cùng mây núi, ngắm cảnh rừng cây nguyên sinh bên lưng núi hay những vườn cây Thanh long bạt ngàn lượn mình theo quốc lộ 1A…
Đường lên chùa Núi quanh co – Ảnh: nguồn baobinhthuan.com.vn
● ● ●
Song song với việc khu du lịch Tà Cú đang từng bước định hình, quần thể chùa Linh Sơn Trường Thọ cũng đang đi vào giai đoạn cuối của việc trùng tu. Du khách đến Tà Cú ngày nay sẽ bất ngờ trước những công trình kiến trúc mang đậm giá trị văn hóa tâm linh.
Gần đến đỉnh núi – Ảnh: Nam Kha (phanthietvn.com)
Khí hậu Tà Cú quanh năm trong lành mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18 - 20ºC. Đứng trên đỉnh núi cao, nhìn những đám mây lặng lờ trôi trong cái không khí lành lạnh của độ cao, dường như những mệt mỏi đều tan biến. Bên tiếng chuông chùa ngân vang, du khách cũng cảm thấy lòng trần được gột rửa, một cảm giác thăng hoa thật tuyệt diệu giữa thênh thang gió núi mây ngàn…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
(*): Hiện kỷ lục tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất Việt Nam đã thuộc về pho tượng chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương) với chiều dài 52m, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng chứng nhận kỷ lục tháng 3-2010.
Chủ đề liên quan :
- CHÙA HANG (CỔ THẠCH TỰ) 04/07/2011
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn