Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

VĨNH PHÚC


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

08/12/2012

DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)


Cách Hà Nội chừng 80km về phía Tây Bắc trong vườn quốc gia Tam Đảo, Tây Thiên là quần thể di tích lịch sử - văn hóa độc đáo giữa núi rừng hùng vĩ thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi mang đậm dấu ấn Phật giáo song hành cùng với di tích thờ Quốc mẫu.

Danh thắng Tây Thiên  

Di tích danh thắng Tây Thiên – Ảnh: nguồn giadinh.net.vn

Tương truyền Tây Thiên là điểm dừng chân truyền đạo đầu tiên của một trong chín phái đoàn truyền giáo đến từ đất Phật, thời vua A Dục (thế kỷ III trước Công nguyên). Ngọc phả thời Hùng Vương và những truyền kỳ lịch sử cũng từng cho biết, trong một lần Hùng Chiêu Vương lên dãy Tam Đảo ngự lãm hội quần tiên, đã thấy trên đầu núi có một am nhỏ có đề bốn chữ “Tây Thiên Cổ Tự”, nhân đó nhà vua mới cho lập đàn tràng cử hành chay lễ (!).

VÉN MÀN TÂY THIÊN

Nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo ở độ cao từ 54 đến 1.100m so với mực nước biển, khu danh thắng Tây Thiên có phạm vi phân bố khoảng 11km² (dài 11km, rộng 1km), giữa một vùng đa dạng sinh học với cảnh quan còn nguyên nét hoang sơ. Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Tây Thiên còn có hệ thống tài nguyên nhân văn gắn với lịch sử và tôn giáo, tín ngưỡng đã được các bậc tiền nhân dày công kiến dựng, rất phong phú với ngôi đền Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu - người đã kết hôn cùng Hùng Chiêu Vương sau khi giúp nhà vua đánh giặc ở thành Phong Châu, các ngôi chùa cổ như chùa Chân Tiên, chùa Thiên Ân, chùa Phù Nghì, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, đền Thượng Tây Thiên, đền Thõng, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân, cầu Đái Tuyết… 

Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên  

Đền Thượng thờ Quốc mẫu Tây Thiên – Ảnh nguồn vinhphuc.gov.vn

Trải bao biến thiên dâu bể, Tây Thiên dần bị lãng quên và trong một thời gian dài hầu như không còn ai nhớ đến. Với sự tàn phá của thời gian, một số di tích đã không còn, số khác tuy còn nhưng đã bị đổ nát hay hoang phế… Cũng may, một số di vật còn lưu lại như tượng đồng, chuông khánh có giá trị văn hóa và khảo cổ cao đã khiến Tây Thiên trở thành điểm thu hút không chỉ khách hành hương, du lịch mà còn cả các nhà nghiên cứu.

 Đường lên Tây Thiên quanh co

Đường lên Tây Thiên quanh co – Ảnh: tour.dulichvietnam.com.vn

Năm 1995, để có thể quản lý và khai thác khu danh thắng Tây Thiên theo hướng bền vững, một Ban quản lý đã được thành lập. Sở Thông tin Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cũng đã phối hợp với Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện nghiên cứu khảo cổ học phục vụ cho công tác trùng tu và tôn tạo. Qua các đợt khảo sát tại khu vực đền Thõng và chùa Phù Nghì, các nhà khảo cổ học đều tìm thấy di tích và di vật có niên đại từ khoảng thế kỷ XIII - XIV đến thế kỷ XIX. Điều này cho thấy các công trình kiến trúc ở đây có thể bắt đầu xuất hiện vào thời Trần, tiếp tục được sử dụng vào thời Lê Sơ, thời Mạc, thời Lê Trung hưng và được trùng tu xây dựng lớn vào thời Nguyễn.

Đền Thõng Tây Thiên  

Đền Thõng Tây Thiên – Ảnh nguồn vinhphuc.gov.vn

Dựa vào các kết quả khảo sát, các nhà khoa học đã phỏng đoán Tây Thiên có thể là một trong những trung tâm Phật giáo thời Trần, với chùa Phù Nghì là một di tích tôn giáo có quy mô khá lớn, được phân thành 5 cấp nền rõ rệt trên diện tích gần 5.000m². Việc tìm ra di tích chùa Phù Nghì cũng là một phát hiện lý thú, bởi trong Kiến Văn Tiểu Lục cũng như Đại Nam Nhất Thống Chí đều không thấy nhắc đến địa điểm này. 

Khu danh thắng Tây Thiên đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991.

TÂY THIÊN KHÔNG CÒN HOANG SƠ

Trong “Kiến văn tiểu lục” được viết từ thế kỷ 18, Lê Quý Đôn đã có những ghi nhận về Tây Thiên khá ấn tượng:“… bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống trông như tấm lụa; bên hữu là suối Vàng…”. 

Tây Thiên hoang sơ  

Tây Thiên hoang sơ – Ảnh: nguồn mytour.vn

Tuy là một vùng kỳ sơn tú thủy được nhiều người biết đến, nhưng Tây Thiên cũng không thoát khỏi quy luật thịnh suy nghiệt ngã. Trong một thời gian dài Tây Thiên bị bỏ hoang phế, cỏ cây che phủ, đền chùa đổ nát và dường như không còn ai lui tới. Mãi vào những năm 1970, một số người thành tâm tìm đến lễ bái, cánh thanh niên, học sinh trong những ngày hè nóng nực cũng tìm đến khám phá nét đẹp hoang sơ của đại ngàn…

Năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Hòa thượng Thích Thanh Từ (Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt - Lâm Đồng) tái thiết Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên trên nền chùa cổ Thiên Ân, mở ra hy vọng cho việc hồi sinh các khu đền, chùa ở Tây Thiên. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4-4-2004 và khánh thành ngày 25-11-2005 sau một năm rưỡi xây dựng khẩn trương.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên  

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên – Ảnh: nguồn giadinh.net.vn

Năm 2010, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cùng sự đồng thuận của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, tịnh thất Tây Thiên đã được phép phục dựng ngôi chùa cổ Phù Nghì. Ngày 7-4-2010 (5 tháng Ba Tân Mão), Ni chúng tịnh thất Tây Thiên đã tổ chức buổi lễ long trọng đón nhận quyết định bổ nhiệm Trụ trì và động thổ khởi công xây dựng ngôi Tam Bảo Tây Thiên Thăng Long Cổ Tự. Cũng tại đây đang xây dựng một công trình lớn và độc đáo mang tên “Việt Nam hộ quốc Phật đài”, tượng trưng cho khát vọng muôn đời được sống trong hòa bình, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Đại Bảo Tháp  

Thiết kế Đại Bảo Tháp Tây Thiên – Ảnh: nguồn captreotaythien.vn

Tháng 4-2011, Đại Bảo Tháp Tây Thiên - biểu tượng Đại trí tuệ của Phật cũng được khởi công. Tuy dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2013 nhưng đến nay từng hạng mục công trình và nội thất đã dần lộ diện, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc Kim Cương Thừa có mặt tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

TÂY THIÊN VỚI TRIỂN VỌNG DU LỊCH

Từ Hà Nội đi theo hướng Tây Bắc lên chân dãy Tam Đảo thuộc xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo khoảng 74km. Từ đây nếu rẽ phải là lên khu nghỉ mát Tam Đảo, còn rẽ trái đi tiếp chừng 11km sẽ đến Tây Thiên. Con đường quanh co khúc khuỷu đưa khách vượt qua chín đoạn dốc giữa tiếng thông reo, gió hát và bốn bề lãng đãng mây bay… Tây Thiên qua thời gian vẫn giữ được nét đẹp quyến rũ giữa chốn thiên nhiên hoang sơ, trở thành một địa chỉ hành hương - du lịch hấp dẫn hội đủ thác, suối cùng đền, chùa cổ kính giữa mênh mang núi rừng.

Cây đa chín cội  

Cây đa chín cội tại đền Thõng – Ảnh nguồn vinhphuc.gov.vn

Hành trình Tây Thiên bắt đầu từ đền Chân Suối qua đền Cả, đền Thỏng, chùa Thiên Ân, đền Cậu, đền Cô Bé đến Tịnh thất Tây Thiên, chùa cổ Phù Nghì, đền Cô Chín, đền Thượng và chùa Tây Thiên dài chừng 7km, du khách chỉ có thể đi bộ men theo dòng suối trong vắt, bên tiếng róc rách vui tai để đến những điểm từ lâu đã trở thành quen thuộc như cây đa chín cội, bãi đá Liền, thác Chòi Tre, thác Bạc năm tầng, suối Tối, suối Bạc, suối Vàng, suối Giải Oan, khe Trường Sinh…

Trong năm 2000, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch phát triển khu danh thắng Tây Thiên với trị giá lên đến 3 tỷ đồng, gồm nâng cấp hệ thống đường nội bộ trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng và không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, bổ sung các bậc đá vào những chỗ khó đi, làm lan can bên những bờ vực nguy hiểm, hệ thống thoát nước…

 Thác Bạc Tây Thiên

Thác Bạc Tây Thiên – Ảnh: nguồn tindulich.vn

Để phần nào khắc phục việc đi bộ lên đền Thượng hơi quá sức đối với nhiều người, một tuyến cáp treo do Công ty Cổ phần Lạc Hồng Tây Thiên đầu tư đã hình thành và đi vào hoạt động từ 6-2-2012, với thiết bị được cung cấp bởi hãng POMA của Pháp. Tuyến cáp treo này chạy dọc theo con suối dốc đứng và trên thác Bạc không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Với thời gian khoảng hơn mười phút, du khách ngồi trên cáp treo sẽ có điều kiện trải nghiệm một Tây Thiên kỳ thú lướt qua tầm mắt với những thác, suối, những ngôi đền, chùa cổ kính nằm chen lẫn giữa núi rừng trùng điệp, trông thật đẹp và dung dị lạ thường…

 Cáp treo Tây Thiên

Cáp treo Tây Thiên – Ảnh nguồn captreotaythien.vn

Khu danh thắng Tây Thiên càng trở nên đông vui với ngày hội hàng năm được mở trong ba ngày 15, 16, 17 tháng Hai âm lịch để tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên. Đây là một lễ hội đủ đông vui mà không phải chen chúc, đủ thanh tao mà không quá vắng vẻ… Khách dự lễ hội cảm thấy tâm hồn thanh tịnh, thong dong tận hưởng cảm giác bình yên của việc hành hương về với chốn Mẫu - đất Phật giữa lung linh đại ngàn.

● ● ●

Với tiềm năng vốn có cùng hệ thống giao thông khá thuận tiện, Tây Thiên ngày nay đang có những bước chuyển mình ngoạn mục, góp phần xứng đáng vào việc quảng bá và kích cầu du lịch Vĩnh Phúc phát triển. Trong tương lai, khi tất cả các công trình cổ đều được trùng tu, tôn tạo, khu danh thắng Tây Thiên sẽ mang diện mạo mới, trở thành điểm đến tâm đắc thu hút ngày càng đông Phật tử và khách du lịch bốn phương…

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành