Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

HẢI PHÒNG


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

21/10/2012

VƯỜN QUỐC GIA CÁT BÀ (HẢI PHÒNG)


Nằm trên địa phận xã Trân Châu thuộc đảo Cát Bà, huyện Cát Hải - thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 60km và cách thị trấn Cát Bà 15km về phía Tây Bắc, Vườn quốc gia Cát Bà là khu bảo tồn đầu tiên của Việt Nam có phân khu bảo tồn biển, gồm các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng trên cạn và hệ sinh thái rừng ngập mặn với các sinh cảnh rừng ngập mặn, bãi triều, đầm phá, karst đá vôi…, được xem là một trong những địa điểm có đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam.

 Vườn quốc gia Cát Bà

Vườn quốc gia Cát Bà –  Ảnh: nguồn dulichkynghi.com

Được thành lập theo quyết định số 79/CP của Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam (nay là Chính phủ) ngày 31-3-1986, Vườn quốc gia Cát Bà có tổng diện tích bảo vệ ban đầu 15.200ha gồm 9.800ha rừng và đất cùng 5.400ha mặt nước biển, Bắc giáp xã Gia Luận, Đông giáp vịnh Hạ Long, Tây giáp thị trấn Cát Bà và các xã Xuân Đám, Trân Châu, Hiền Hào với tọa độ địa lý 20º43’50” - 20º51’29” vĩ Bắc và 106º58’20” - 107º10’50” kinh Đông.

ĐA DẠNG SINH HỌC VƯỜN QUỐC GIA CÁT BÀ

Cát Bà là một vườn quốc gia đặc biệt với sự kết hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau, quy tụ nhiều loài động thực vật quý hiếm, được đánh giá là nơi bảo tồn nguồn gien (gène) đa dạng. Hiện nay Vườn quốc gia Cát Bà đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích được mở rộng đến 26.240ha, trong đó có 17.040ha đất đảo và 9.200ha mặt nước biển.

VQG Cát Bà hấp dẫn du khách  

Vườn quốc gia Cát Bà hấp dẫn du khách –  Ảnh: nguồn ngoisao.net

Toàn bộ vườn quốc gia Cát Bà gồm một vùng núi non hiểm trở có độ cao dưới 500m, trong đó đa phần là trong khoảng 50 - 200m. Tuy hệ sinh thái chính của Vườn quốc gia Cát Bà là rừng mưa nhiệt đới thường xanh, nhưng do điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và nguồn nước đã xuất hiện một số kiểu rừng phụ như rừng trên núi đá vôi, rừng ngập nước nội địa (Ao Ếch), rừng ngập mặn duyên hải, nhiều kiểu sinh thái rừng cá biệt như quần hợp Kim giao (khu vực gần đỉnh Ngự Lâm), đơn ưu Và nước (khu vực Ao Ếch)…, ngoài ra còn có hệ sinh thái vùng biển với các rạn san hô gần bờ. Hệ thống hang động cũng rất phong phú với nhiều dáng vẻ, đặc trưng riêng và hệ canh tác nằm giữa các thung lũng như ở Khe Sâu hoặc các khu dân cư… 

 Hệ thực vật phong phú

Hệ thực vật phong phú và đa dạng – Ảnh: nguồn ngoisao.net

Sự đa dạng của các kiểu rừng đã hình thành nên sự phong phú của khu hệ động, thực vật Cát Bà. Theo thống kê có đến 771 loài thực vật trên cạn, trong đó có 350 loài cây có khả năng sử dụng làm thuốc chữa bệnh và nhiều loài nằm trong danh mục qúy hiếm cần bảo vệ như Kim giao (Podocarpus fleurii), Chò đãi (Annamocarya sinensis), Lát hoa (Chukrasia tabularis A.Fuss), Lim xẹt (Pelthophorum tonkinensis)…, 23 loài thực vật ngập mặn, 75 loài rong biển, 199 loài thực vật phù du… Rừng ngập mặn phân bố chủ yếu tại phía Tây Bắc đảo, với các loài cây phổ biến như Đước xanh (Rhizophora mucronata), Vẹt dù (Bruguiera gymnorrhiza)…, là nơi cư trú của các loài chim nước, chim di cư từ phía Bắc như Sâm cầm (Centropus sinensis Stephen), Cốc đế (Phalacrocorax carbo), Cuốc (Macropygia unchall), Vịt trời (Anas poecilorhyncha haringtoni)…

Voọc đầu vàng trong VQG Cát Bà  

Voọc đầu vàng trong VQG Cát Bà – Ảnh: nguồn chaobuoisang.net

Hệ động vật cũng đa dạng với 282 loài động vật sống trong rừng, bao gồm 20 loài thú, 69 loài chim, 11 loài ếch nhái, 20 loài bò sát và lưỡng cư…; 538 loài động vật sống ở đáy biển, 196 loài cá biển, khoảng 98 loài động vật phù du, 177 loài San hô… Đặc biệt Cát Bà là nơi duy nhất trên thế giới cư trú loài Voọc đầu vàng (Trachypithecus poliocephalus - phân loài poliocephalus) – một trong năm loài linh trưởng của Việt Nam có tên trong 25 loài trên thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, thường bị gọi nhầm là Voọc đầu trắng (Trachypithecus poliocephalus - phân loài leucocephalus chỉ có ở Trung Quốc).

TỪ VƯỜN QUỐC GIA ĐẾN KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI

Nếu khu dự trữ sinh quyển được qui định là hệ thống những vùng có các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái ven biển, các hệ sinh thái biển hoặc kết hợp của những thành phần này thì quần đảo Cát Bà đã hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu nhất của Việt Nam. Ngày 29-10-2004, tại cuộc họp của Hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình Con người và sinh quyển tổ chức tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà về các giá trị nổi bật, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, gồm đa phần thuộc quần đảo Cát Bà với diện tích 26.240ha, trong đó có 17.040ha mặt đất và 9.200ha mặt nước biển.

 Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà – Ảnh: nguồn vitc.com.vn

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà có hai vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt, nơi không có tác động nào của con người trừ các hoạt động nghiên cứu và giám sát, đó là vùng lõi phía Đông Nam (diện tích 6.900ha, gồm 5.300ha thuộc phần đảo và 1.600ha phần biển) và vùng lõi phía Tây Bắc (diện tích 1.600ha, gồm 1.200ha thuộc phần đảo và 400ha phần biển); hai vùng đệm có chức năng phát triển điều hòa, tôn trọng hiện trạng và phù hợp với tiêu chí bảo tồn của vùng lõi là vùng đệm trung tâm nằm giữa vùng lõi Đông Nam tức vùng đệm Việt Hải (diện tích 141ha) và vùng đệm tiếp giáp (diện tích 7.600ha, gồm 4.800ha thuộc phần đảo và 2.800ha phần biển); hai vùng chuyển tiếp là vùng chuyển tiếp phía Bắc tại xã Gia Luận (diện tích 1.300ha, gồm 1.000ha thuộc phần đảo và 300ha phần biển) và vùng chuyển tiếp phía Nam (diện tích 8.700ha, gồm 4.500ha thuộc phần đảo và 4.200ha phần biển), đây là nơi tập trung dân cư đông, được duy trì các hoạt động kinh tế bình thường và chú trọng khuyến khích phát triển cộng đồng, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên từ khu dự trữ sinh quyển.

 Rừng mưa nhiệt đới Cát Bà

Rừng mưa nhiệt đới Cát Bà – Ảnh: nguồn haiphong.gov.vn

Theo các kết quả nghiên cứu, tại khu vực Cát Bà đã thống kê được 2.320 loài động, thực vật cùng các loài sinh vật biển đảo, trong đó có gần 60 loài được xem là đặc hữu và qúy hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam gồm các loài động vật như Ác là, Quạ khoang, Voọc đầu vàng, Voọc quần đùi trắng; các loài thực vật như Chi đài, Kim giao, Lát khôi, Lát hoa, Rẻ hương, Thổ phục linh, Trúc đũa, Sến mật; các loài sinh vật biển đảo có giá trị kinh tế gồm 8 loài rong (Rong guột, Rong đá cong, Rong mơ mềm…), 7 loài động vật đáy (Ốc đụn đực, Ốc đụn cái, Trai ngọc…), 5 loài bò sát (Đồi mồi, Quản đồng, Rùa da, Đến vảy bụng không đều, Vích), 4 loài chim biển (Cốc đế, Cò thìa, Yến núi, Mang biển đen). Cũng tại vùng biển Cát Bà đã phát hiện 193 loài thuộc lớp San hô, trong đó 166 loài thuộc bộ San hô cứng và số còn lại thuộc các bộ San hô bò, San hô mềm, San hô sừng. Các đảo như Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào, cụm đảo Đầu Bê - Hang Trai, Long Châu là những nơi có rạn san hô tốt, với độ sâu phổ biến từ 5 - 6m và không quá 10m.

 Sặc sỡ sắc màu san hô

Sặc sỡ sắc màu san hô – Ảnh: nguồn catbabay.com.vn

NGUY CƠ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Vườn quốc gia Cát Bà là một cụm sinh thái thiên nhiên không thể tách rời. Với ưu thế vừa có rừng lại vừa có biển cùng nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan đẹp và nhiều loại động thực vật quý hiếm, nhiều di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đá mới, những di tích văn hóa Hạ Long và dấu vết của người Việt cổ…, nhất là từ khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, thì Cát Bà đã trở thành một trong số ít nơi phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.

 Kỳ thú Vườn quốc gia Cát Bà

Kỳ thú Vườn quốc gia Cát Bà – Ảnh: nguồn dulichhaiphong.gov.vn

Tuy nhiên, việc biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là điều có thể thấy rõ. Tại “Lớp tập huấn về biến đổi khí hậu cho các nhà báo” trong thời gian gần đây, các nhà khoa học cho biết trong vòng 50 năm, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi diện mạo, địa chất vùng ven biển Cát Bà, nước biển ở Hải Phòng đã dâng lên mức 20cm. Khoảng 10 năm qua nhiệt độ tại đây tăng 0,12ºC, nhiệt độ trung bình những tháng mùa Đông luôn ở mức cao hơn so với mức trung bình của khí hậu và vẫn có xu hướng tăng. Năm 2009 xảy ra hiện tượng mưa đá, đầu năm 2011 xảy ra hiện tượng lốc xoáy. Gió bão gây triều cường lớn tại thị trấn Cát Hải, sương muối khiến cây héo lá và hàng loạt cây trồng chết. Thiên tai lũ lụt gia tăng dẫn đến hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ biển…

 Voọc đầu vàng cư trú trên vách núi

Loài Voọc đầu vàng cư trú trên vách núi – Ảnh: nguồn phapluattp.vn

Tuy cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá toàn diện, cụ thể về những tác động của biến đổi khí hậu tới khu dự trữ sinh quyển Cát Bà nhưng những biểu hiện của nó tới đời sống người dân đã ngày càng hiện rõ, như ông Mark Hawkes - chuyên gia tại khu dự trữ sinh quyển Cát Bà nhận định: “Đó là nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô, tăng nguy cơ nhiễm mặn của một số giếng, diện tích nuôi trồng thủy sản nói riêng có nguy cơ giảm do nước biển dâng…”.

 Du khách trong VQG Cát Bà

Du khách trong VQG Cát Bà – Ảnh: nguồn baohaiphong.com.vn

Để giúp giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu và ứng phó kịp thời với hiện tượng này, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo và cho rằng cần sớm có kế hoạch để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Ông Hawkes đã đưa ra một số giải pháp như giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, giảm khí CO2 và các thiết bị tiết kiệm chi phí nhiên liệu như xe điện hoặc phát triển trang trại dùng biogas… Một biện pháp cũng được nhiều chuyên gia ủng hộ là xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho các nhóm cộng đồng riêng biệt và ở từng lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, giáo dục…

● ● ●

Với việc được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà sẽ có điều kiện tham gia vào mạng lưới nghiên cứu khoa học, được quốc tế hỗ trợ công tác nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học… Hy vọng nguồn động lực qúy giá này ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế, du lịch, ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản… phát triển, còn tạo điều kiện giúp địa phương ứng xử tốt hơn với môi trường và tìm ra biện pháp hữu hiệu ứng phó với những nguy cơ về biến đổi khí hậu…

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành