Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

HẢI PHÒNG


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

01/10/2012

LỄ HỘI CHỌI TRÂU ĐỒ SƠN (HẢI PHÒNG)


Hàng năm đến hẹn, người dân khắp nơi lại rộn ràng đổ về quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) tham dự lễ hội chọi trâu, một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước miền châu thổ Bắc bộ gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh, nhưng cao hơn cả là việc đề cao tinh thần thượng võ và tính nhân văn sâu sắc của người dân vùng biển Đồ Sơn. Đặc biệt năm nay, trong bối cảnh thành phố Hải Phòng chuẩn bị Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 mà lễ hội Chọi Trâu là một trong chuổi điểm hoạt động chính của năm du lịch.

"Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng chín tháng Tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng chín tháng Tám thì về chọi trâu."

 Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – Ảnh: nguồn dulichgo.blogspot.com

ĐI TÌM NGUỒN GỐC LỄ HỘI

Cho đến nay, chưa thấy một tài liệu hay chứng cứ cụ thể nào đề cập đến lịch sử hình thành lễ hội Chọi Trâu. Theo truyền thuyết và thần tích, đã từ rất lâu vào lúc Đồ Sơn vẫn còn là một vùng đất hoang vu và con người hãy còn bất lực trước thiên nhiên, có một nhóm ngư dân ở bể Thần Hóa bị bão làm trôi dạt vào chân núi Tháp và họ chỉ biết trông chờ vào sự phù hộ của các vị thần linh. Một hôm đúng dịp rằm tháng Tám, họ chợt nhìn thấy trên biển có vòng hào quang lớn, ở giữa là một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngắm nhìn đôi Trâu chọi nhau trên sóng nước. Tin rằng đã được thần linh phù trợ nên sau khi trở về họ liền lập đền thờ, đặt tên theo duệ hiệu thần là “Điểm Tước Đại vương”. Họ còn mua Trâu về mổ để tế thần nhưng khi đi qua đình, hai con Trâu bỗng quay đầu chọi nhau quyết liệt. Cho rằng thần rất thích xem chọi Trâu nên người dân Đồ Sơn đã tổ chức chọi Trâu hàng năm để tế thần (!).

 Cuộc chiến không khoan nhượng

Cuộc chiến không khoan nhượng –  Ảnh: nguồn 4trips.vn

Tuy có nhiều truyền thuyết về lễ hội và mỗi truyền thuyết đều gắn với một sự tích kỳ bí khác nhau nhưng có một điểm chung nhất: hội Chọi Trâu là mỹ tục hào hùng mang tinh thần thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm độc đáo của người dân vùng biển Đồ Sơn. Ở Đồ Sơn còn có câu thành ngữ “Trống mọi làng cùng đánh, Thánh mọi làng cùng thờ” để nói lên rằng, người Đồ Sơn gắn lễ hội Chọi Trâu cùng với việc thờ Thành hoàng làng nhằm tưởng nhớ công ơn các vị thần bảo hộ, duy trì kỹ cương làng xã, cầu mong những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, người khang vật thịnh…, vì vậy mà ngày hội càng trở nên thiêng liêng và mang ý nghĩa đặc biệt đối với người dân nơi đây.

 Những pha so kè đẹp mắt

Những pha so kè đẹp mắt – Ảnh: nguồn baoyenbai.com.vn

Chọi Trâu không chỉ đơn thuần là “hai con Trâu chọi” với nhau mà đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng của người dân vùng biển, được hình thành từ lâu đời qua nội dung phong phú, đan xen nhiều yếu tố văn hóa dân gian lành mạnh, kết tinh cả nền văn hóa vùng ven biển mà Đồ Sơn là trung tâm. Thực tế thì trải qua thời chiến tranh, cũng là lúc những giá trị tinh thần thánh thiêng không mấy được cổ xúy, lễ hội Chọi Trâu đã bị lụi tàn và biến mất trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1990 mới được Đảng bộ và chính quyền thị xã Đồ Sơn cho khôi phục trở lại, định lệ tổ chức chính thức vào ngày 9 tháng Tám âm lịch mỗi năm.

Bước vào thiên niên kỷ mới, lễ hội Chọi Trâu đã được xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia. Không lạ gì khi lễ hội Chọi Trâu đã gây được sự chú ý của công chúng và sớm trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo có sức hấp dẫn đối với nhiều người…

CHỌN TRÂU & CHUẨN BỊ

Để chuẩn bị cho lễ hội Chọi Trâu, người Đồ Sơn đã phải đầu tư nhiều công sức và nuôi dưỡng Trâu chừng tám tháng. Chọn Trâu là một công việc cầu kỳ và tỉ mỉ, thường thì từ sau Tết Nguyên đán, các sới chọi sẽ cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để lùng sục Trâu. Từ những vùng lân cận như một số huyện ngoại thành Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, có khi còn phải lặn lội hàng tháng trời vào tận Qùy Hợp (Nghệ An), Hủa Phăn (Lào)… hay ngược lên tận Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn… Trong vài năm gần đây, cánh săn Trâu chọi lại đổ quân đến Sốp Cộp, một huyện hết sức xa lạ của tỉnh Sơn La, bởi Trâu Sốp Cộp ngoài to con, khỏe và dai sức, còn có đặc điểm rất “húng chiến”, phù hợp với việc dùng để chọi.

 Chăm sóc

Thanh niên được thuê chăm sóc "chiến ngưu" – Ảnh: Vũ Tuấn Anh (baodatviet.vn)

Trâu được chọn phải là những con Trâu đực khỏe mạnh từ 4, 5 tuổi trở lên, hội đủ những tiêu chuẩn như ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, gọi là Trâu cổ Cò; lưng càng dày và phẳng được đánh giá là Trâu gan, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương; háng Trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng qúy; sừng Trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung; giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn; mắt Trâu phải đen, tròng đỏ, mặt càng giống mặt Ngựa là Trâu chọi hay; ngoài ra còn phải trường đùi, có da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng và dày để tránh nắng)…

Trâu có cặp sừng rộng  

Trâu có cặp sừng rộng đến 109cm – Ảnh: nguồn thanhnien.com.vn

Chọn được Trâu vừa ý đã là việc khó, nhưng huấn luyện để Trâu chọi được đòi hỏi nhiều công phu và chỉ những người có kinh nghiệm mới được cử ra chăm sóc. Trâu khi mới đưa về thường được tẩm bổ cho có đủ sức lực, nuôi ở chuồng riêng, kín đáo và đặc biệt không cho chúng trông thấy Trâu nhà để khôi phục bản năng hoang dã. Tiếp đến Trâu sẽ được huấn luyện những bài tập cơ bản như chạy, lội bùn, leo núi…, tập thích nghi với những biến đổi thời tiết nhằm nâng cao khả năng chịu đựng và dẻo dai. Trâu còn được huấn luyện tại các "sới chọi" (những bãi đất rộng với cờ xí rực rỡ, nhiều người đứng xung quanh, gõ chiêng trống và hò hét ầm ĩ để tập cho Trâu quen với không khí của ngày hội). Những người nhiều kinh nghiệm sẽ huấn luyện cho Trâu có những miếng đánh hay, độc đáo.

 Rèn Trâu dưới nước

Rèn Trâu dưới nước – Ảnh: nguồn Vũ Tuấn Anh (baodatviet.vn)

Ở Đồ Sơn, tại mỗi phường đều có những người đam mê với việc chọi Trâu, có kinh nghiệm tìm và chăn dắt, huấn luyện Trâu – họ đã trở thành những chuyên gia thật sự. Do Trâu được chọn làm Trâu chọi đều được mọi người tôn kính gọi là Ông Trâu, và Trâu nào đoạt giải nhất còn được tôn lên hàng lão Ngưu – Cụ Trâu, nên trong ngày hội, tên của những nghệ nhân huấn luyện chúng cũng được vinh dự xướng lên với tư cách là chủ của những “Ông Trâu” đang vào trận.  

CHỌI TRÂU ĐỒ SƠN - TỪ LỄ ĐẾN HỘI

Theo định lệ, hàng năm cứ vào ngày 9 tháng Tám âm lịch là Đồ Sơn lại mở hội Chọi Trâu. Để chuẩn bị cho ngày chính hội trước đó đã có kỳ đấu loại vào ngày 6 tháng Tám âm lịch để chọn ra những Trâu xuất sắc nhất vào trận đấu chung kết. Ngày 24-9-2012, tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn đã diễn ra vòng chung kết Lễ hội Chọi Trâu truyền thống Đồ Sơn - 2012 với 16 Trâu vào trận, thu hút hơn 30.000 lượt khách tham gia.

 Đưa Trâu ra đình

Đưa Trâu ra đình – Ảnh: nguồn eva.vn

Cũng như nhiều lễ hội khác, Lễ hội Chọi Trâu cũng đan xen phần lễ và phần hội. Ngay từ ngày mùng một tháng Tám, các vị cao niên trong các làng có Trâu chọi đều phải ra đình Tổng làm lễ tế thần Hùng Trấn Điểm Tước. Tiếp đến ngày 7-8, lễ rước nước là nghi thức cổ truyền được tổ chức tại đền Nghè – nơi thờ Thành hoàng làng của vùng đất Đồ Sơn, nhằm tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với vị Thủy thần hộ mệnh cùng các bậc tiên liệt đã có công khai hoang mở cõi… Các chủ Trâu rước kiệu, làm lễ xin nước từ nguồn nước ở Suối Rồng về đình làng của mỗi phường. Tại đây, các chủ Trâu đưa Trâu ra làm lễ trình diện Thành Hoàng. Từ đó, Trâu chọi sẽ chính thức được tôn gọi là "Ông Trâu".

 Nước của các làng

Nước của các làng tập trung để làm lễ tế – Ảnh: dulich.chudu24.com

Đến sáng ngày chính hội (9-8 âm lịch), cư dân trong phường đều kéo ra đình. Lễ dâng hương mở hội theo nghi thức truyền thống bắt đầu ở đền Nghè thuộc phường Vạn Hương và đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Dấu. Sau đó là lễ rước các "Ông Trâu" đi trình Thành hoàng làng và ra sới với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm. Do tính trang nghiêm của cuộc lễ, những người rước Trâu thần phải tắm rửa sạch sẽ sao cho thật thanh khiết, mặc áo dài, thắt lưng đỏ, đội nón lá dứa. Trâu thần cũng được trang trí, lưng trùm vải đỏ, sừng buộc những dải lụa điều.

Màn cờ trống mở đầu lễ hội  

Màn cờ trống mở đầu lễ hội – Ảnh: nguồn m.tin247.com

Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Mở đầu là điệu múa khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la… Những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc phất tròn như dải lụa quấn lấy thân người, lúc dàn theo hình thế trận, từ bên tả qua bên hữu, lúc lại đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi. Theo các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi, thúc giục các “ông trâu” thi đấu thật quyết liệt.  

“KỊCH MỤC SỞ THỊ” HỘI CHỌI TRÂU ĐỒ SƠN

Tuy đến 8 giờ sáng ngày 24-9-2012 (ngày 9-8 âm lịch) phần hội của lễ hội Chọi Trâu mới bắt đầu nhưng ngay từ 6 giờ sáng, suốt trục đường trung tâm quận Đồ Sơn dẫn tới sân vận động trung tâm, nơi diễn ra vòng chung kết đã đông kín người, hứa hẹn một hội Chọi Trâu hết sức sôi động.

 Hàng vạn khán giả xem hội Chọi Trâu

Hàng vạn khán giả xem hội Chọi Trâu – Ảnh: nguồn quehuongonline.vn

Đúng 8 giờ, phần hội đã chính thức bắt đầu với bài múa cờ truyền thống đầy màu sắc trong sự hò reo cổ vũ nhiệt tình của hàng vạn khán giả trên sân. Sau màn trống chiêng khai hội, dịch loa mời các “Ông Trâu” vào trận vang lên. Từ hai cổng Bắc, Nam của sới đấu, từng đôi Trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng dựng ở hai bên. Khi hiệu lệnh phát ra thì Trâu từ hai phía được di chuyển lại gần nhau hơn, cách chừng 20m. Một hiệu lệnh cuối, người dắt Trâu nhanh chóng rút dây mũi, như được lệnh hai Trâu liền lao vào nhau bắt đầu trận so tài…

 Màn trống khai hội

Màn trống khai hội – Ảnh: nguồn 4trips.vn

Không giống như vòng loại với những trận đấu giằng co, những “Ông Trâu” trong trận đấu này đã có sự dạn dày trận mạc, biết cách sử dụng những miếng đánh độc và hiểm để nhanh chóng hạ gục đối phương. Theo đánh giá của Ban Tổ chức cùng các chủ Trâu, những miếng đánh của các “Ông Trâu” trong vòng này sẽ thể hiện đậm chất kỹ thuật và có tính mỹ thuật cao, mang đến cho khán giả những pha đánh ngoạn mục và đẹp mắt…

 Đưa Trâu vào sân

Đưa Trâu vào sân – Ảnh: nguồn 4trips.vn

Bước vào trận đấu thứ ba, cặp đấu số 18 và 30 đã làm nổ tung khán trường bởi những tiếng vỗ tay không dứt. Kịch tính xuất hiện ngay khi hai “Ông Trâu” được đưa vào sân. Trâu số 30 đánh hay nhất vòng loại đã ngay lập tức chạy đà từ xa hòng tung miếng hổ lao dũng mãnh vào đối phương, nhưng với bản lĩnh và dạn dày trận mạc, Trâu số 18 đã bình tĩnh đỡ đòn hổ lao và bất ngờ dáng ngược đối thủ bằng miếng cáng sừng và đòn móc hầu như búa bổ khiến Trâu số 30 nặng hàng tạ như chiếc bị thịt bị nâng bỗng lên không dẫn đến hoảng loạn và thua cuộc nhanh chóng.

 Màn đè nhau ngoạn mục

Màn đè nhau ngoạn mục – Ảnh: Lưu Quang Phổ (thanhnien.com.vn)

Ở một trận đấu khác, Trâu số 1 với miếng đánh quen thuộc đã tung vó lấy đà lao vào Trâu số 9 bằng miếng hổ lao thần tốc và đầy dũng mãnh. Tưởng chừng với miếng hổ lao, Trâu số 1 sẽ dễ dàng hạ gục đối thủ nhưng bằng sự bình tĩnh, Trâu số 9 đã bất ngờ cúi cổ dùng miếng kê đầu vững vàng khiến Trâu số 1 như húc đầu vào núi đá, lộn đầu lên không trung một vòng trước khi dáng thân hình đồ sộ của mình xuống đất. Mặc dầu đã gượng đứng lên ngay nhưng Trâu số 1 đã mất thế thượng phong, không kịp chống đỡ những miếng đánh sau đó của Trâu số 9 và buộc phải bỏ chạy nhường vinh quang cho đối thủ…

 Trâu bị hất tung lên không

Trâu bị hất tung lên không – Ảnh: Ngọc Tùng (thethaovanhoa.vn)

Tuy 15 trận đấu diễn ra trong thời gian không dài, nhưng với những miếng đánh đậm chất kỹ thuật và vô cùng độc đáo, các “Ông Trâu” đã  để lại trong lòng người chứng kiến những cảm xúc thăng hoa.

MỘT KẾT THÚC… CÓ HẬU

Theo quan niệm cổ xưa, Trâu làng nào thắng trận trong lễ hội sẽ đem lại nhiều may mắn cho cả làng trong năm, từ mưa thuận gió hòa đến bình yên cho hết mọi người trong hành trình đi biển. Điểm đặc biệt là dù Trâu thắng hay thua, kết thúc lễ hội đều phải được hóa sinh để tế lễ đất trời và cầu cho mùa màng thuận hòa. Nhiều người tin rằng được ăn thịt Trâu chọi trong dịp lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn.

Du khách mua thịt Trâu hiến sinh  

Du khách sẵn sàng mua thịt Trâu hiến sinh – Ảnh: nguồn anhp.vn

Tham quan Đồ Sơn trong những ngày lễ hội, du khách sẽ có dịp trải nghiệm một sinh hoạt mang tính thượng võ và nhân văn sâu sắc. Ngoài việc được hòa mình vào không khí lễ hội với nhiều hoạt động độc đáo, du khách còn có thể tìm hiểu cách chăm sóc, huấn luyện Trâu chọi, chiêm ngưỡng tận mắt các “đấu sĩ” đang bước vào giai đoạn huấn luyện cuối cùng. Lân la trên các đường Phạm Văn Đồng hoặc Lý Thánh Tông, du khách sẽ được nghe các chủ Trâu, dân am hiểu chọi Trâu, các người già và thậm chí cả trẻ nhỏ đang say sưa bàn tán về thể hình, số đo, đặc điểm khoang, khoáy, lông, móng, đuôi, mắt… của các “Ông Trâu” không thua gì các chuyên viên bàn luận về chỉ số “skélie” của các người mẫu trong các cuộc thi hoa hậu…

 Khách nước ngoài hào hứng với màn chọi Trâu

Khách nước ngoài hào hứng với màn Chọi Trâu – Ảnh: nguồn 4trips.vn

Là một lễ hội mang đậm nét văn hóa tâm linh của người dân vùng biển, Lễ hội Chọi Trâu đã tạo nên một phong cách riêng của vùng duyên hải Bắc bộ, góp phần kích cầu du lịch thành phố Hải Phòng và vùng đồng bằng sông Hồng phát triển…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành