Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

THANH HÓA


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

15/09/2012

LỄ HỘI LAM KINH QUA THỜI GIAN VÀ LỊCH SỬ


Hàng năm cứ vào dịp 21 - 22 tháng Tám âm lịch, người dân xứ Thanh lại nô nức đổ về khu di tích lịch sử Lam Kinh tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc để tham dự lễ hội Lam Kinh, tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị vua triều Hậu Lê, những người đã góp phần xây dựng nên một triều đại thịnh vượng tồn tại đến 360 năm với 27 triều vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

 Quang cảnh Lễ hội Lam Kinh

Quang cảnh Lễ hội Lam Kinh – Ảnh: Thanh Tùng (TTX.VN)

Truyền thống dân gian Việt Nam còn lưu truyền câu thành ngữ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” gắn với tích sử “Lê Lai liều mình cứu chúa”. Trong tinh thần báo đáp hành động nghĩa hiệp của vị khai quốc công thần triều Hậu Lê đã xã thân vì nghiệp lớn, Lê Lợi đã truyền dạy con cháu phải làm lễ giỗ Lê Lai trước giỗ của ông một ngày. Vì vậy khi Lê Thái Tổ mất vào ngày 22-8 năm Quý Sửu (1433) thì ngày 21-8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày giỗ của Lê Lai dù rằng ông còn một ngày giỗ khác vào đúng ngày mất – mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

ĐI TÌM NGUỒN GỐC LỄ HỘI LAM KINH

Lam Sơn là cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn, đất phát tích và nơi dựng nghiệp của dòng họ Lê. Sau hơn mười năm dựng cờ khởi nghĩa và toàn thắng đánh đuổi quân Minh xâm lược (1418 - 1428), Bình Định Vương Lê Lợi đã lên ngôi hoàng đế ngày 14 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long). Nhà vua rất coi trọng việc tế lễ ở trại Như Áng xưa – nơi dòng họ của vương triều đã lập nên nghiệp đế, đã cho xây dựng ở đất tổ Lam Sơn một kinh thành thứ hai gọi là Lam Kinh hay Tây Kinh. Từ khi Lê Thái Tổ băng hà và được an táng ở Lam Kinh, việc tế lễ ở đây càng được triều đình coi trọng. Đối với các vị hoàng đế triều Hậu Lê, việc “hạ quy Lam Sơn” để bái yết sơn lăng và tế lễ Thái miếu là một nghĩa vụ thiêng liêng chưa hề bị xao lãng.

Tưng bừng lễ hội Lam Kinh  

Tưng bừng lễ hội Lam Kinh – Ảnh: nguồn vov.vn

Sự ra đời và phát triển của lễ hội Lam Kinh cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, bởi không ai rõ lễ hội này đã bắt đầu từ lúc nào và các tài liệu cũ ghi chép về việc tế lễ ở Lam Kinh thời Lê Sơ cũng rất sơ sài, chỉ biết rằng việc tế lễ ở đây là theo lệnh của triều đình và đã được tổ chức trong tinh thần “thành kính, tinh khiết”. Dưới triều vua Lê Nhân Tông, khu điện miếu, lăng tẩm ở Lam Kinh đã được xây dựng quy củ, bề thế và trang nghiêm nên việc tổ chức lễ hội Lam Kinh cũng có quy mô lớn, đặc biệt có diễn xướng vũ khúc Bình Ngô nhằm đề cao, tôn vinh sự nghiệp của tiên đế trong công cuộc bình Ngô giữ nước.

 Đoàn rước trong lễ hội Lam Kinh

Đoàn rước trong lễ hội Lam Kinh – Ảnh: nguồn tin180.com

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, chính hoàng đế Thái Tông”tưởng nhớ công lao của tiền bối, sáng tác điệu vũ bình Ngô”. Việc tổ chức diễn xướng điệu vũ bình Ngô được sách trên ghi lại khá cụ thể:”Năm Thái Hòa thứ 7 (1449) mùa Xuân tháng Giêng vua ban yến cho quan, múa nhạc bình Ngô. Công hầu có người xúc động phát khóc.” – “Bảy năm sau (1456), vua Nhân Tông trong dịp về Lam Kinh bái yết sơn lăng, đã cho đánh trống đồng, diễn khúc “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều”.”

 Cảnh diễn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Cảnh diễn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – Ảnh: Trung Hợi (nguồn vov.vn)

Tuy những cứ liệu về lễ hội Lam Kinh do sử sách để lại không nhiều, nhưng cũng đủ cho biết khởi nguồn của lễ hội này là từ chốn cung đình, do triều đình tổ chức và một điều khá chắc chắn là tính chất cung đình của lễ hội không cho phép sự tham gia của quần chúng trong các dịp lễ hội ở Lam Kinh.

TỪ NGHI THỨC CUNG ĐÌNH ĐẾN LỄ HỘI DÂN GIAN

Trải bao biến thiên vật đổi sao dời, nhất là từ khi Lê triều phải nhường bước theo quy luật đổi thay của lịch sử, thì lễ hội Lam Kinh không còn cơ sở để trụ lại trong chốn cung đình. Có thể các vương triều về sau với chủ trương hạn chế ảnh hưởng của triều Lê, đã cho áp dụng một số biện pháp làm tác động đến nội dung lễ hội Lam Kinh. Dẫu vậy, cho đến đầu thế kỷ XIX, ở Thanh Hóa vẫn tưởng niệm các vua Lê theo truyền thống tại Lam Kinh.

  Cảnh diễn trong lễ hội Lam Kinh

Cảnh diễn trong lễ hội Lam Kinh – Ảnh: nguồn tuoitrethanhhoa.vn

Khi vương triều Nguyễn được thiết lập, ngay từ đầu triều Nguyễn đã cho xây dựng ở Bố Vệ (thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn – nay là thành phố Thanh Hóa) điện Hoàng Đức thờ các vua Lê bằng vật liệu được tháo dỡ một phần từ các công trình cũ ở Thăng Long và Lam Kinh. Triều Nguyễn cũng đã cho tổ chức lễ hội vào các dịp “Xuân Thu nhị kỳ” tại miếu các vua Lê (còn gọi đền Lê, tức điện Hoàng Đức) với nghi thức lớn do quan đầu tỉnh chủ lễ. Các hình thức diễn xướng dân gian đã được tiến hành như trò chạy chữ “thiên hạ thái bình”, hội trận đền Lê cũng dần được hình thành cùng với lễ hội đền Lê. Sự tham gia của nhân dân trong các kỳ lễ hội ở đây đã làm cho lễ hội mang tính dân gian.

Nghi thức tế lễ trong lễ hội Lam Kinh  

Nghi thức tế lễ trong lễ hội Lam Kinh – Ảnh: nguồn baodatviet.vn

Tại Lam Kinh dưới triều Nguyễn, tuy việc tế lễ vẫn được tiến hành theo truyền thống nhưng quy mô đã nhỏ dần và mang tính địa phương, sự tôn nghiêm của khu điện miếu cũng bị thời gian làm cho phai nhạt… Như vậy, khởi từ nghi thức ở chốn cung đình, lễ hội Lam Kinh đã có sự chuyển hướng thích nghi để trở thành một lễ hội dân gian. Thuật ngữ “lễ hội Lam Kinh” chỉ là cách gọi nôm na để phân biệt với các lễ hội dân gian khác, như lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội đền Sòng hay lễ hội cầu ngư ở các địa phương…

Tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  

Tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – Ảnh: Trung Hợi (nguồn vov.vn)

Tuy có những bước thăng trầm, nhưng với truyền thống tôn vinh anh hùng, uống nước nhớ nguồn, lễ hội Lam Kinh vẫn được duy trì và tồn tại trong dòng chảy của lịch sử. Sự tồn tại cũng như quá trình biến chuyển của lễ hội Lam Kinh đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết, đòi hỏi nghiên cứu thấu đáo để việc khôi phục lễ hội đạt được mục tiêu tuyên truyền và cổ vũ truyền thống yêu nước, đồng thời cũng góp phần kích cầu du lịch. 

LỄ HỘI LAM KINH NGÀY NAY

Từ năm 1995, cùng với việc trùng tu, tôn tạo và tái thiết khu di tích Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ hội Lam Kinh hàng năm với quy mô cấp tỉnh, trang nghiêm và long trọng. Đây là một lễ hội lớn nhất ở tỉnh Thanh Hóa và là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam.

Đánh trống khai hội  

Đại diện chính quyền đánh trống khai hội – Ảnh: Trung Hợi (nguồn vov.vn)

Để lễ hội Lam Kinh thực sự trở thành một sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống, những người tổ chức ngày nay đã biết gạn đục khơi trong. Tuy phần tế lễ vẫn theo đúng nghi thức cổ truyền nhưng đã có sự tinh giản chắt lọc, giảm bớt những yếu tố rườm rà không cần thiết. Những hoạt động văn hóa dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Thanh vẫn được bảo tồn nhưng đã có sự lồng ghép, bổ sung sắc thái mới của lễ hội hiện đại nhằm tạo sức hấp dẫn trong văn hóa du lịch cũng như tâm linh. 

Màn trống hội mở đầu lễ hội  

Màn trống hội mở đầu lễ hội – Ảnh: Trung Hợi (nguồn vov.vn)

Trong tinh thần đó, ngoài phần lễ tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như màn biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại, cờ hội, rước kiệu, những nghi thức tế lễ được truyền lại từ các thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông…, còn có phần hội gồm các chương trình nghệ thuật tái hiện các sự kiện trọng đại như Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, Giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Vua Lê Thái Tổ trả kiếm…

Cảnh diễn vua Lê Lợi trả kiếm  

Cảnh diễn vua Lê Lợi trả kiếm – Ảnh: Trung Hợi (nguồn vov.vn)

Bên cạnh đó, nhiều trò chơi, trò diễn truyền thống xứ Thanh cũng được tổ chức như trò Xuân Phả, trò Chiềng, trò Sanh Ngô, điệu hát múa rí ren dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc, hội trại các làng văn hóa, trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê, chiếu phim, biểu diễn Chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên, trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch tỉnh Thanh Hóa, các món ăn đặc sắc của xứ Thanh như chè lam Phủ Quảng, bánh răng bừa, bánh gai Tứ Trụ, nem thính Thọ Xuân… càng làm cho lễ hội thêm phần náo nhiệt, hấp dẫn ngày càng nhiều khách tham gia.

Rất đông người dân tham dự lễ hội  

Rất đông người dân tham dự lễ hội – Ảnh: Trung Hợi (nguồn vov.vn)

Lễ hội Lam Kinh đã thực sự trở thành gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần bảo tồn nền văn hóa truyền thống của dân tộc, đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng người tham dự và khách du lịch bốn phương…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành