CAMBODIA
SIEM REAP
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
16/05/2012
ANGKOR WAT - KỲ QUAN KIẾN TRÚC
Nằm trong quần thể kiến trúc Angkor tại tỉnh Siem Reap, cách thủ đô Phnom Penh 240km về hướng Bắc, Angkor Wat tuy chưa phải là một công trình lớn nhất hay đẹp nhất được xây dựng vào giai đoạn cực thịnh của đế chế Angkorian, nhưng được giới chuyên môn đánh giá là một thành tựu kiến trúc huy hoàng, thể hiện trình độ sâu sắc của người Khmer xưa.
Ngôi đền Angkor Wat – Ảnh: nguồn yume.vn
Trong ngôn ngữ Khmer, “Angkor” có nghĩa là kinh đô, xuất phát từ nguồn gốc tiếng Phạn “nagara” là thành phố; “Wat” là đền thờ hay chùa. Angkor Wat được xây dựng trên danh nghĩa thờ thần Viśnu, vị thần bảo tồn tượng trưng cho lòng tốt và rất được dân chúng sùng mộ, nhưng thực tế là thờ vua Suryavarman II (1113 - 1150), người đã xây dựng ngôi đền và tự đồng hóa mình với thần Viśnu theo quan niệm vua - thần (devaraja) có từ đầu thời Angkorian. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat lại trở thành linh đền thờ Phật.
ANGKOR WAT QUA TỪNG CON SỐ
Đền Angkor Wat được vua Suryavarman II xây dựng vào năm 1122 và kịp hoàn thành vào năm nhà vua mất (1150), trên một khu đất có chiều Nam - Bắc dài 800m và chiều Đông - Tây dài 1.400m. Bao quanh ngoài những bức tường đá cao 8m, dày 6m còn có hào nước sâu rộng 190m. Con đường dẫn vào cổng chính rộng 9,5m, dài 230m và cao 5m so với mặt nước hào cũng được làm bằng đá tảng, có dãy lan can hai bên được thiết kế bằng thân tượng 2 rắn thần Naga trong tư thế nằm như để bảo vệ cho ngôi đền.
Rắn thần Naga làm thành hai dãy lan can – Ảnh: nguồn afamily.vn
Cổng đền không quá lớn nhưng được bố trí hết sức mỹ thuật và kiên cố bằng những tảng đá lớn sắp xếp chồng lên nhau. Điều thú vị là từ sau cổng chính, hình dáng ngôi đền nổi bật trong khuôn cửa, vừa vặn y như một bức ảnh được cắt cúp khéo léo. Từ cổng vào đền là một con đường dài 350m, rộng 9,5m với hai dãy lan can hình rắn thần Naga, hai bên con đường này còn có hai ao sen hình vuông.
Khu đền Angkor Wat là một tổng thể kiến trúc theo dạng kim tự tháp, với tháp chính trung tâm cao 65m và 4 tháp phụ ở 4 góc cao 40m. Đền được chia làm 3 tầng: tầng 1 tượng trưng cho địa ngục, tầng 2 tượng trưng cho trần gian và tầng 3 tượng trưng cho thiên đàng. Chính điện Angkor Wat cũng là một kiến trúc 3 tầng, kết nối với nhau bằng những hồi lang sâu thẳm.
Các vũ công Apsara trong đền Angkor Wat – Ảnh: Hải Yến (nguồn anninhthudo.vn)
Angkor Wat có đến 398 gian phòng, được nối liền nhau bởi 1.500m hồi lang. Toàn bộ ngôi đền được trang trí bằng hàng trăm tượng Phật, chiến binh, hình hoa sen và các họa tiết hoa văn được khắc họa tinh vi trên đá khối, đặc biệt 1700 vũ công Apsara được thể hiện một cách sinh động và hoàn toàn khác nhau, từ dáng điệu đến cử chỉ, từ khóe mắt đến làn môi, từ những cánh tay trần hay đôi chân trần đến bộ ngực trần mềm mại gợi cảm…
Angkor Wat là một bảo tàng điêu khắc đá độc đáo, nơi đây không một góc cạnh nào là không có dấu vết của điêu khắc. Những đường nét điêu khắc tỉ mỉ đến nỗi làm cho người xem lầm tưởng chúng được khắc chạm trên một khuôn mẫu sẵn có. Thực tế ngôi đền đã được xây dựng theo nguyên tắc xếp đá trước, tiếp đến mới chạm trổ hoa văn, phù điêu… Hiện ở tầng thứ nhất vẫn còn vết tích của những bức tranh điêu khắc dỡ dang trên một số cây cột.
GIẢI MÃ ANGKOR WAT
Có thể nói Angkor Wat là mô phỏng vũ trụ theo quan niệm Hindu giáo, với những hồi lang đồng tâm liên tục bao quanh khu tháp trung tâm biểu trưng cho những dãy núi bao quanh đỉnh núi Meru – ngôi nhà của các thần thánh, bức tường thành bao quanh tượng trưng cho cạnh ngoài của thế giới và hào nước rộng bao quanh biểu tượng cho những đại dương nhiệm mầu bao bọc trái đất… Những cầu thang thật dốc dẫn lên tháp trung tâm cũng hàm nghĩa luân lý rất cao: con người phải nỗ lực hết mình mới có thể giác ngộ và giao tiếp được với thần linh…
Angkor Wat mô phỏng vũ trụ – Ảnh: nguồn campuchiatour.com
Đi vào tầng 1 tượng trưng cho “Địa ngục”, du khách cảm thấy choáng ngợp với những bức tranh điêu khắc trên tường của dãy hồi lang thấp nhất, có bề cao 2,5m và chạy dài hơn 800m mô tả những chiến công của vua Suryavarman II, người tạo dựng ngôi đền cùng các tích xưa truyện cổ trong sử thi Ấn Độ Ramayana và Mahabharata. Nhờ được bảo vệ bởi bức trần và mái hồi lang chạy xuyên suốt, bức tranh dường như mới và còn nguyên vẹn. Ở dãy hồi lang phía Đông có mảng phù điêu dài chừng 50m ghi lại huyền thoại cuộc chiến khuấy động biển sữa để lấy nước cam lồ giúp trường sinh bất tử trong truyền thuyết của người Khmer, với sự hiện diện của nhiều thần và vật khác nhau như các vị thần Deva, bọn quỷ Asura, bạch tượng Airavata của thần Indra, thần mã Uccaihorava, những chú khỉ và trận chiến của thần Sita, nữ thần sắc đẹp Laksmi, đoàn tiên nữ Apsara với những điệu múa uyển chuyển và đầy sinh động…
Những bức tranh khắc trên tường của dãy hồi lang – Ảnh: nguồn traveladventures.org
Tầng 2 tượng trưng cho “Trần gian” là một khoảng sân rộng được che chắn bởi dãy tường thành bao quanh, bên trong là các gian điện thờ các vị thần Viśnu của Hindu giáo. Những bức tượng bằng đá đen này về sau lại bị người dân Campuchia lầm tưởng là Phật Thích Ca nên đã khoác lên tượng tấm áo cà sa màu vàng cam và thờ cúng theo nghi thức Phật giáo. Việc ngộ nhận về các vị thần của Hindu giáo và Phật giáo này tưởng cũng dễ hiểu bởi trong quá khứ đã có sự giao thoa về tôn giáo. Cũng tại tầng hai có rất nhiều những bức tranh Apsara nhảy múa với bộ ngực trần – các bộ ngực ngày càng bóng lưỡng là hệ quả sự tinh nghịch sờ mó của khách du lịch (!).
Những bức tượng đá đen bị ngộ nhận là Phật – Ảnh: nguồn vnmilitaryhistory.net
Tầng 3 là tầng cao nhất tượng trưng cho “Thiên đàng”, được xem là nơi cư ngụ của thần thánh, gồm hai hành lang chữ thập cắt nhau và thẳng góc ở giữa. Tại điểm giao tiếp của hai hành lang là trung tâm đền Angkor Wat, nguyên ngày trước có đặt tượng thờ thần - vua Viśnu bằng vàng nhưng về sau đã bị đánh cắp. Ngày nay tại đây có các tượng thờ Phật.
Tại trung tâm đền là ngọn tháp cao nhất, chung quanh có bốn hồi lang hình vuông, cuối mỗi hồi lang là một tháp phụ thấp hơn. Các ngọn tháp được xây dựng theo một kiểu thức khá đặc biệt, càng lên cao càng thu nhỏ trông tựa như những nụ sen. Cách bố trí tháp tỏ ra rất hợp lý nên người xem dù đứng ở góc độ nào cũng đều có thể nhìn được cả 5 ngọn tháp vươn cao giữa bầu trời. Các cầu thang đi lên tháp trung tâm cũng được bố trí theo 4 mặt, dốc đứng, hẹp và khó leo theo một ý đồ huấn giáo vô cùng độc đáo và tích cực…
Năm ngọn tháp được bố trí hợp lý – Ảnh: nguồn travel365.com.vn
ANGKOR WAT HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH
Angkor Wat là ngôi đền được bảo quản ở tình trạng tốt nhất trong số các khu đền Angkor được biết đến hiện nay. Thật khó hình dung bằng cách nào những khối đá đá đồ sộ đã được đưa lên đỉnh tháp, càng khó tưởng tượng khi không cần đến hồ vữa, những bộ óc siêu phàm đã gắn kết những khối đá ấy lại với nhau, bền vững qua thời gian tạo nên vẻ đẹp kỳ vỹ có một không hai trên thế giới.
Năm 1992 tại kỳ họp thứ 16, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (Unesco) đã đưa Angkor Wat vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Cùng với việc tôn vinh này, quần thể khu đền Angkor đã ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt khách du lịch.
Toàn cảnh Angkor Wat – Ảnh: nguồn nacotravel.com
Tham quan quần thể kỳ quan Angkor, du khách sẽ có dịp tiếp cận ngôi đền Angkor Wat, một công trình kiến trúc độc đáo với hàng ngàn tác phẩm được khắc họa công phu trên những phiến đá, miêu tả những sự kiện lịch sử, những chiến công của dân tộc Khmer, những đặc điểm văn hóa đậm chất sử thi cùng những huyền sử bàng bạc sắc màu Hindu giáo…
Do ngôi đền Angkor Wat có mặt quay về hướng Tây nên du khách thường thích đến đây vào buổi chiều, để tránh ánh nắng trực diện trên lối vào và có dịp chiêm ngắm cảnh mặt trời lặn từ trên đỉnh Bakheng. Dưới ánh nắng vàng của buổi chiều tà, cả khu đền ửng lên một màu vàng rực rỡ khiến ngôi đền trở nên huyền bí thâm nghiêm đến lạ lùng. Đứng trên đồi Bakheng, du khách còn có dịp quan sát toàn cảnh khu đền Angkor trải rộng mênh mông…
Angkor Wat rực rỡ lúc chiều về – Ảnh: nguồn angkowat.net
Angkor Wat không kém phần lãng mạn vào thời điểm bắt đầu ngày mới, khi ánh bình minh ló dạng từ phía sau tường thành. Trong một khoảnh khắc nhiệm mầu, cả khu đền Angkor Wat bỗng tối sầm lại rồi đột nhiên luồng ánh sáng vàng ruộm đẩy lùi vùng tối của bầu trời phía xa, mọi vật trở nên sáng rỡ và Angkor Wat tỏ hiện, sừng sững uy nghi như một ngọn núi…
Ngay từ 5 giờ sáng, con đường vào đền đã nườm nượp khách du lịch. Ai cũng cố tìm cho mình một góc ảnh đẹp nhất có thể, để ghi lại khoảnh khắc mặt trời chiếu sáng trên đỉnh ngọn tháp cao nhất của ngôi đền, trông tựa như một ngọn nến tỏa sáng lung linh.
Như một ngọn nến tỏa sáng lung linh – Ảnh: nguồn travelblog.org
Đã đến Angkor Wat, du khách không thể không thử sức chinh phục một trong năm ngọn tháp chính. Những bậc thang gần như thẳng đứng tuy có làm chùn chân những người yếu bóng vía, nhưng khi đã đứng trên các ngọn tháp, du khách mới thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ và bố cục độc đáo của ngôi đền.
Vào thời điểm mà kỹ thuật và phong cách kiến trúc còn rất giới hạn, việc hình thành những công trình như Angkor Wat quả là một điều đánh đố đối với sức vóc con người, nhưng con người đã làm nên điều kỳ diệu thể hiện quyền năng sáng tạo của mình, đã biến điều không thể thành có thể… Chính vì vậy, Angkor Wat không chỉ là một ngôi đền thờ thần linh hay thờ vương quyền, mà còn là ngôi đền thờ “tài hoa và tâm huyết” của cả một dân tộc.
Chinh phục Angkor Wat – Ảnh: Akshay Mahajan (trivialmatters.blogspot.com)
Trải qua nghìn năm dâu bể với biết bao vật đổi sao dời, ngôi đền Angkor Wat vẫn đứng đó sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, thật đáng cho chúng ta phải suy ngẫm với tất cả lòng ngưỡng mộ tri ân…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- HUYỀN BÍ KỲ QUAN ANGKOR 08/05/2012
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI