VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
BẮC NINH
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
09/03/2012
LỄ HỘI THỦY TỔ QUAN HỌ (LÀNG DIỀM)
“Thủy tổ Quan họ làng ta
Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra
Xưa nay nam, nữ, trẻ, già
Ai mà hát được ắt là hiển vinh…"
Ca dao
Trong số các lễ hội diễn ra trên quê hương Quan họ, nổi bật nhất phải kể đến lễ hội Vua Bà tại thôn Viêm Xá (tên Nôm là làng Diềm – xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh ngày nay). Đây là một trong bốn tiết lệ truyền thống của làng (*) và là lễ hội đặc trưng nhất, thể hiện sự tri ân tưởng nhớ người có công khai sinh ra làn điệu Quan họ Bắc Ninh, được tổ chức vào các ngày 6 & 7 tháng Hai âm lịch hàng năm.
Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Tương truyền, Đức Vua Bà là một công chúa con gái vua Hùng Vương. Vừa đến tuổi cập kê, nhà vua đã cho tổ chức hội cướp cầu để kén chọn phò mã; có điều Bà đã không chấp nhận sánh duyên cùng người thắng cuộc mà lại xin ân điển của nhà vua để được chu du sơn thủy một thời gian. Khi Bà cùng các thị nữ vừa ra khỏi kinh thành thì một cơn mưa lớn ập đến, giông gió nổi lên dữ dội và một cơn lốc đã cuốn phăng cả đoàn người lên trời rồi giáng hạ xuống ấp Viêm Trang (thôn Viêm Xá ngày nay). Vốn nơi đây là một vùng đất hoang vu với cây đước và lau sậy um tùm rậm rạp, Bà đã cho đắp bờ, phá đất, lập nên ruộng đồng, làng xóm và dựng vợ gả chồng cho mọi người. Bên cạnh việc dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía, kéo mật…, Bà còn sáng tác nhiều bài ca và dạy cho các nam thanh nữ tú nghệ thuật ca hát. Do vậy khi Bà mất, dân làng đã lập đền thờ và tôn vinh Bà là Đức Vương Mẫu, là thành hoàng làng.
Các liền chị bên đền Vua Bà – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Làng Diềm là nơi duy nhất trong số 49 làng Quan họ gốc của vùng Kinh Bắc có đền thờ Thủy tổ Quan họ, vì vậy mà vào ngày hội khách thập phương tấp nập đổ về làng Diềm để được hòa mình trong không khí lễ hội đậm đặc chất Quan họ, bởi mọi hoạt động trong lễ hội đều có liên quan trực tiếp đến Quan họ. Ngay từ chiều ngày 5 - 2 âm lịch, dân làng đã tổ chức lễ mở cửa đền, lễ dâng hương và lễ cầu mưa rửa đền. Người dân thôn Viêm Xá rất tin vào sự linh nghiệm của lễ cầu mưa bởi chẳng mấy năm vào đêm mồng 5 rạng sáng mồng 6 nơi đây lại không có mưa, và đến khi diễn ra đám rước Vua Bà thì trời đã quang, mưa đã tạnh.
Rộn ràng thanh âm – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Lễ rước diễn ra trang trọng – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Qua sáng ngày 6 là chính hội, đại diện các làng Quan họ đều về làng Diềm dâng hương hoa phẩm vật quê hương lên Đức Vua Bà, cầu xin cho làng mình mở hội hát ngày một đông. Lễ tế thần bao giờ cũng có hát Quan họ ca ngợi công đức Vua Bà và cầu cho người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Hát thờ ở hội đền Vua Bà chỉ được sử dụng giọng La rằng (người Viêm Xá gọi là giọng A rằng). Sau lễ tế, dân làng dựng và diễn ở ngoài trời sự tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”. Trong diễn tích có cả những câu thuộc hệ thống giọng lẻ, giọng vặt mang nội dung giao duyên nam nữ. Tiếp đến là lễ rước kiệu Vua Bà quanh làng, tượng trưng cho ngày xưa Vua Bà đã du ngoạn đặt chân lên vùng đất Viêm Xá.
Với đủ cờ xí – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
… và lễ vật – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Tiếp sau phần lễ là phần hội, được mở rộng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động như đu tiên, vật, cướp cầu, chọi gà, thi đấu cờ tướng, cầu lông…, nhưng đặc sắc và nổi bật nhất vẫn là các hình thức giao lưu Quan họ, từ đền Vua Bà, trên sân khấu trung tâm lễ hội, đến đền Cùng, dưới thuyền rồng hay trong các gia đình… Sang đến ngày 7 là giã hội, người dân tổ chức lễ tế và đóng cửa đền Vua Bà.
Tưng bừng không khí lễ hội – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Diễn lại sự tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân” – Ảnh: Thuận Cẩm (baobacninh.com.vn)
Trong vài năm trở lại đây, nhất là từ sau khi dân ca Quan họ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (30-9-2009), lễ hội đền Vua Bà đã được tổ chức qui mô và bài bản hơn. Sau phần lễ tế thần tại đền vào sáng ngày 6 - 2 theo truyền thống, lễ khai hội tiếp theo diễn ra tại khu vực sân khấu trung tâm lễ hội (khoảng sân rộng giữa đình và đền Diềm) bằng màn trống hội tưng bừng, tiếp đến có múa lân, nghi thức chạy cờ, một số tiết mục văn nghệ chào mừng trong đó không thể thiếu diễn tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”; tiếp đến mới là lễ rước kiệu Vua Bà đi quanh làng, xuất phát từ đền Vua Bà sang đình Diềm, đến đền Cùng rồi sau đó trở lại đền Vua Bà.
Giao lưu Quan họ – Ảnh: Nguyễn Thịnh (nguồn vtc.vn)
Với chủ đạo là ca hát Quan họ xuyên suốt trong cả phần lễ lẫn phần hội, lễ hội tôn vinh Đức Vua Bà không chỉ gói gọn trong làng Quan họ Viêm Xá mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương Kinh Bắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” rất đáng trân trọng trong truyền thống dân tộc… Trẩy hội làng Diềm có thể ví như một cuộc hành hương về với cội nguồn làng Việt cổ, ở đó trong mỗi ngóc ngách của đời sống hôm nay vẫn còn âm vang những câu ca Quan họ với chuẩn mực “vang, rền, nền, nảy”, đem lại cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, vừa lâng lâng vừa thoát tục…
Mai Kim Thành
(*):
- Hội Chùa (Rằm tháng Giêng âm lịch)
- Hội Đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ (6 tháng Hai âm lịch)
- Hội Tát giếng (3 tháng Ba âm lịch)
- Hội Đình (6 tháng Tám âm lịch)
Chủ đề liên quan :
- HỘI LIM TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ 05/12/2011
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn