Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

KHÁNH HÒA (NHA TRANG)


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

03/06/2011

VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC


Tọa lạc tại số 1 Cầu Đá với cơ ngơi ban đầu là một khu đất cao ráo rộng đến 20ha, kéo dài từ phía Bắc cảng Nha Trang lên tới lầu Bảo Đại, Viện Hải Dương Học nằm trong hệ thống các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học có mặt sớm nhất ở Việt Nam và nghiên cứu về biển lớn nhất tại vùng Đông Nam Á.

a 

Viện Hải Dương Học – Ảnh: dulichgo.blogspot.com

Nguyên được người Pháp thành lập từ 14-9-1922 theo quyết định của viên Toàn quyền Đông Dương Baudoin, với tên gọi ban đầu là Sở Nghề Cá Đông Dương (Service Océanographique des Pêches de l’Indochine) nhằm mục đích nghiên cứu khảo sát các điều kiện tự nhiên và nguồn lợi cá để phục vụ cho nghề cá ở Đông Dương. Đến ngày 1-12-1929, Tổng thống nước Cộng Hòa Pháp đã ký sắc lệnh thành lập Viện Hải Dương Học Đông Dương (L’Intitut Océanographique de l’Indichine) với nhiệm vụ khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá thí nghiệm ở biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) và biển hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề cá ở Đông Dương, đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản. Từ năm 1952, Viện Hải Dương Học Đông Dương được đổi thành Viện Hải Dương Học Nha Trang (L’Intitut Océanographique de Nha Trang).

a 

Toàn cảnh Viện Hải Dương Học – Ảnh: nguồn vnio.org.vn

Năm 1954 khi Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính quyền đương thời tại miền Nam, nơi đây được đổi thành Hải Học Viện Nha Trang. Đến tháng 12-1969, quyền quản lý đã được chuyển cho Viện Đại học Sài Gòn. Hải Học Viện Nha Trang là nơi lưu trữ các dữ liệu về địa chấn học, chu kỳ thủy triều và hải lưu vùng biển Đông, với bộ sưu tập hơn 60.000 mẫu.

Từ sau khi Việt Nam thống nhất, Hải Học Viện Nha Trang cùng với Viện Nghiên Cứu Biển Hải Phòng đã được sáp nhập thành một với tên gọi Viện Nghiên Cứu Biển Nha Trang, trực thuộc Viện Khoa Học Việt Nam sau đổi thành Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia. Đến năm 1993, Viện Hải Dương Học (L’Intitut Océanographique – Institute of Oceanography) trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam bao gồm tất cả các cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc, được tổ chức thành một Viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội.

a 

Cá Mao tiên – Ảnh: nguồn raovat.sile.vn

Viện Hải Dương Học có nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên vật lý, hóa học, địa chất sinh học, môi trường của các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, chú trọng đến các hiện tượng xói lở và bồi tụ, sinh thái vùng biển ven bờ, các hải đảo và rạn san hô; nghiên cứu công nghệ: chiết suất các hoạt tính sinh học trong sinh vật biển, chống nhiễm bẩn môi trường và nuôi trồng thủy sản; thành lập ngân hàng dữ liệu biển Việt Nam và vùng phụ cận. Trong kế hoạch lâu dài, Viện cũng nghiên cứu các dữ liệu để mô hình hóa việc sử dụng tài nguyên biển một cách hợp lý và bảo vệ môi trường biển trong sạch…

Một bộ phận cơ hữu của Viện Hải Dương học là Bảo tàng Hải Dương học. Từ nhiều năm nay nơi đây đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng để phát triển thành một quần thể liên hoàn phục vụ nghiên cứu, tham quan và giáo dục cộng đồng… Đến đây du khách sẽ được tiếp cận đầu tiên với sa bàn “Địa hình thềm lục địa Việt Nam”, mô hình “Sinh vật cảnh một rạn san hô”, các bản đồ, hình ảnh giới thiệu về nguồn lợi và tuyên truyền bảo vệ môi trường biển.

a 

Thế giới đại dương  -  Ảnh: nguồn vinabooking.vn

Tại bể nuôi sinh vật biển, du khách sẽ có dịp làm quen với nhiều sinh vật biển có màu sắc rực rỡ, đa dạng về hình thù và sống trong các rạn như San hô sừng dạng quạt, Hải quỳ, cá Khoang cổ, Sao biển màu xanh đỏ, Huệ biển, Cầu gai, Hải sâm, tôm Hùm, cá Bò Picasso, cá Mao tiên, cá Mặt quỷ, cá Thiên thần, cá Thia xanh biếc, tôm Bác sĩ… Các bể nuôi ngoài trời cũng giúp du khách biết đến những con Sam sống thành đôi, những loài cá lớn như cá Mập vây đen, cá Nhám beo, cá Đuối, các loài rùa biển ở Việt Nam như Đồi mồi, Vích, Tráng bông… Nhưng thú vị hơn khi qua các bể kính, du khách có dịp mục kích sự cộng sinh được ví như “đôi bạn vàng” giữa các loài Hải qùy và cá Khoang cổ, các loài cá màu sặc sỡ thuộc họ cá Bướm, cá Kẽm bông, cá Kẽm sọc, cá Chim cờ, cá Bàn chài, cá Bò Picasso, cá Bò đuôi gai, các loài cá hiếm thuộc họ cá Chim xanh như cá Hoàng đế, cá Hoàng hậu, cá Bò bông bi, cá Chình thiên long, các loài sống trong các hốc san hô như cá ngựa, cá Thia, cá Mú, cá Trình, các loài tiêu biểu cho cuộc sống trầm lặng của biển như Hải qùy ống, Sao biển, Cầu gai, Hải sâm, Rắn biển, Huệ biển, Rùa…

a 

Bộ xương cá Voi lưng gù dài 18m – Ảnh: nguồn dulichvietnam.asia

Khu bảo tàng đa dạng sinh học hiện đang lưu trữ, trưng bày 20.000 mẫu vật thu được từ các chuyến khảo sát trong vùng biển Đông và một số vùng biển lân cận với mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học của các sinh vật biển. Một mẫu vật nổi bật là bộ xương cá Voi lưng gù dài 18m, cao 3m và nặng đến 18 tấn với đầy đủ 18 đốt cột sống được phục chế, là sản phẩm được người dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khai quật ngày 18-12-1994 dưới độ sâu 1,2m và cách biển 4km theo đường chim bay. Một mẫu vật khác là bộ xương của con bò biển khai quật tháng 11-1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo). Được biết đến với tên gọi Mỹ nhân ngư (Nàng Tiên cá – Dugong dugon), Bò biển là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đáng chú ý là nguyên mẫu con bò biển nặng 400kg, dài 2,75m được ngư dân xã Gành Dầu thuộc đảo Phú Quốc bắt được năm 2004, đại diện của cá heo và cá mập trắng nhồi bông. Nơi đây còn có những mẫu cá lớn như cá Mặt trăng, cá Nạng hải (cá Manta), con Bạch tuộc đốm xanh lần đầu tiên thu mẫu được ở Việt Nam năm 1999, các mẫu vật Hải cẩu, cá Tầm Trung Hoa, cua Vua ở các vùng biển lân cận Việt Nam, các bộ mẫu San hô, Thực vật biển, Thân mềm, những mẫu vật nhỏ như những con chim Yến trong chiếc tổ được làm từ nước dãi của nó trên các vách đá cheo leo…

a 

Bộ xương Bò biển – Ảnh: nguồn vietnamtravel.asia

Tham quan Bảo tàng Hải Dương Học, du khách có một trải nghiệm thú vị khi khám phá những bí mật trong lòng đại dương, nhờ đó thêm ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường. Bảo tàng là một trung tâm di sản văn hóa biển rất qúy hiếm, cần được quan tâm trân trọng của mọi người và của cả cộng đồng…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Tham khảo:

- Nguồn Viện Hải Dương Học
- Nguồn Tổng Cục Du lịch

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành