VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
NINH THUẬN (PHAN RANG)
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
06/05/2011
LỄ MBĂNG KATÊ
Hàng năm cứ vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch), khi những đóa bằng lăng tím nở rộ trang điểm cho núi rừng Phan Rang - Tháp Chàm thêm phần lộng lẫy, thì cũng là lúc cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn từ các huyện Ninh Phước, Ninh Hải… nô nức mang lễ vật về tháp Po Klong Garai tham dự lễ hội Mbăng Katê. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm mà xét về đại thể, có thể ví như tết Nguyên đán của người Kinh, được tổ chức dài ngày và có qui mô rộng khắp khu vực cộng đồng người Chăm sinh sống. Từ năm 2000, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất của Việt Nam.
Ảnh: nguồn yeudulich.vn
Mbăng Katê là lễ hội truyền thống của người Chăm nhằm tưởng niệm các vị thần của dân tộc Chăm, các vị vua có công phát triển nông nghiệp đã được thần hóa như Pô Klong Garai, Pô Rômê, các bậc tiên nhân có công với cộng đồng… Không chỉ dừng lại ở phạm vi các ngôi đền, lễ hội còn được mở rộng đến tận các thôn làng, dòng tộc và cuối cùng là ở mỗi gia đình. Người Chăm rất coi trọng quan hệ họ hàng huyết thống cũng như đời sống tình cảm của gia đình nên lễ hội Mbăng Katê là dịp để các người Chăm dù sống ở đâu cũng cố trở về quê hương, chia sẻ niềm vui bên người thân, bạn bè.
Tháp Po Klong Garai trong ngày lễ hội Katê – Ảnh: nguồn chudu24h.com
Lễ Mbăng Katê được tổ chức trong 3 ngày và theo một trình tự nhất định, gồm:
Ngày thứ nhất (30-6 Chăm lịch, diễn ra các nghi thức chuẩn bị).
Ngày thứ hai (1-7 Chăm lịch, với các nghi lễ chính diễn ra tại các đền, tháp) gồm các nghi lễ:
- Lễ đón rước y trang: còn được gọi là lễ trình diện y trang gồm áo quần và các đồ trang sức của các vị thần và vua chúa mà dân tộc Raglai và Chăm Ahier còn cất giữ để đưa về 3 nơi tổ chức trong cùng một thời điểm: tháp Po Klong Garai ở phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), đền Po Rômê ở xã Phước Hữu và đền Po Ina Nagar ở làng Hữu Đức, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước).
Lễ đón rước y trang ở làng Hữu Đức (Phước Dân - Ninh Thuận)
Ảnh: Sỹ Hoàng (toquoc.gov.vn)
Người Raglai thổi kèn đánh chiêng trong lễ rước y trang
Ảnh: Sỹ Hoàng (toquoc.gov.vn)
- Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang): sau phần lễ đón y trang, đoàn rước sẽ tiến về tháp cử hành nghi thức thứ hai ngay trước cửa vào tháp. Vị chủ trì nghi lễ này là Po Dhia (thầy Cả sư) cùng các tu sĩ làm lễ, cầu xin các vị thần cho phép được mở cửa tháp.
Lễ mở cửa tháp – Ảnh: nguồn saigonsuntravel.com
- Lễ tắm tượng thần (mộc dục – Mưney yang): sau nghi thức xin phép mở cửa tháp, một số đại diện gồm Po Dhia, Kadhar (thầy kéo đàn kanhi), Muk Pajâu (bà Bóng), Camưnay (ông Từ) cùng một số tín đồ tiến vào bên trong tháp. Sau khi mọi người an vị tại bàn lễ quanh bệ thờ thần thì Muk Pajâu sẽ rót rượu dâng lễ, ông Kadha bắt đầu phần hát lễ. Trong khi đó ông Camưnay cầm lọ nước tưới lên pho tượng và mọi người cùng nhau tắm cho tượng thần. Những tín đồ nhiệt thành nhân cơ hội này cũng lấy nước chảy xuống từ tượng để bôi lên đầu và thân mình với ước mong được nhiều sức khỏe, may mắn và tài lộc…
- Lễ mặc y phục cho tượng thần (Angui khan aw Pô yang): nghi thức tắm tượng vừa kết thúc cũng là lúc nghi lễ mặc áo cho tượng được tiến hành. Trong tiếng đàn Kanhi và tiếng hát của ông Kadha, ông Camưnay và bà Muk Pajâu sẽ khoác lên các pho tượng thần những bộ long bào lộng lẫy.
Ảnh: nguồn saigonsuntravel.com
- Đại lễ Katê: Đến lúc này ở bên ngoài tháp, bà con người Chăm đã chuẩn bị lễ vật dâng tiến các vị thần và cầu xin phù hộ để cuộc sống được nhiều ấm no, hạnh phúc. Ở trong đền các lễ vật dâng cúng được bày trước bệ thờ. Thầy Po Dhia chủ sự nghi lễ, bà Muk Pajâu dâng lễ vật, thầy Kadhar kéo đàn Kanhi và hát mời trên 30 vị thần có công với dân nước được ngưỡng mộ suy tôn như Pô Nagar, Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Par… về dự lễ. Mỗi vị thần là một bài hát lễ. Thầy Po Dhia làm phép, đọc kinh cầu nguyện xin các vị thần về hưởng lễ vật và phù hộ độ trì cho dân làng. Phần đại lễ được kết thúc bằng bằng vũ điệu múa thiêng của bà Muk Pajâu.
Bà con người Chăm chuẩn bị lễ vật – Ảnh: Minh Anh (TNO – 15.10.2009)
Các món lễ vật dâng cúng thần linh – Ảnh: Sỹ Hoàng (toquoc.gov.vn)
Các tu sĩ Bà la môn đang làm phép lễ vật dâng lên thần linh
Ảnh: Sỹ Hoàng (toquoc.gov.vn)
Dâng tiến lễ vật – Ảnh: diendan.eva.vn
- Phần hội: Khi bà Muk Pajâu đang xuất thần với điệu múa thiêng để kết thúc đại lễ, thì ở bên ngoài cũng bắt đầu rộn ràng không khí hội hè với những âm thanh và diễn tấu sôi động đem lại không khí rộn ràng phấn khởi cho dòng người phó hội.
Ảnh: nguồn diendan.eva.vn
Ảnh: Minh Anh (TNO – 15.10.2009)
Ảnh: nguồn blog.yume.vn (8.10.2010)
Mở đầu là phần biểu diễn của người Raglai qua tiếng Chiêng, tiếng Raklaiy cùng những điệu múa truyền thống và được tiếp nối bằng những tiết mục văn nghệ dân gian Chăm đầy sôi động, từ những lời ru, điệu múa quạt xòe Biyên, Marai… của những thiếu nữ Chăm xinh đẹp làm say đắm lòng người, đến những tiếng trống Ginăng, Basanưng hay tiếng kèn Saranai dồn dập, thiết tha… Không khí hội rộn ràng náo nhiệt mãi cho đến lúc trời đà xế bóng mới tạm kết thúc lễ hội Katê trên tháp Chăm để chuyển không gian lễ hội Katê về các thôn, làng Chăm vào ngày hôm sau.
Ảnh: Minh Anh (TNO – 15.10.2009)
Các điệu múa Chăm mừng lễ hội Katê – Ảnh: Sỹ Hoàng (toquoc.gov.vn)
Ảnh: Sỹ Hoàng (toquoc.gov.vn)
Ngày thứ 3 (2 tháng Bảy Chăm lịch): lễ Katê ở làng (plei).
Sau khi kết thúc lễ Katê ở tháp và đóng cửa tháp vào ngày hôm trước, lễ Katê ở các thôn, làng Chăm sẽ diễn ra và được xem như phần hội với nhiều hoạt động phong phú, nhiều trò chơi dân gian, thể thao, thi đội nước, thi dệt vải, biểu diễn văn nghệ của các chàng trai thiếu nữ Chăm…
Đến trưa, phần hội cũng khép lại để bà con trở về tổ chức lễ Katê tại gia đình (nga wôm). Hầu hết gia đình người Chăm đều tổ chức lễ, tuy nhiên cũng có những gia đình gặp khó khăn về kinh tế và trong trường hợp này, mỗi dòng họ sẽ cử một gia đình để tổ chức. Chủ lễ cúng Katê tại gia đình có thể là một người trong gia đình hoặc một người lớn tuổi trong dòng họ. Vào ngày lễ mọi thành viên trong gia đình đều tề tựu đông đủ để cầu mong tiên tổ ông bà phù hộ, con cháu gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội Katê vẫn tồn tại phản ảnh những giá trị cao đẹp của cộng đồng người Chăm. Katê là dịp giáo dục truyền thống gia đình, giúp các thế hệ con, cháu biết nhớ đến công ơn và tỏ lòng kính ngưỡng đối với tổ tiên. Nền văn hóa Chăm với những truyền thống tốt đẹp đã góp phần tô điểm cho vườn hoa đại gia đình dân tộc Việt Nam ngày thêm hương sắc và trường tồn với thời gian…
Mai Kim Thành
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn