VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
LÀO CAI (SAPA)
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch
15/04/2011
THỊ TRẤN DU LỊCH SA PA
Nằm trên độ cao 1.600m so với mực nước biển thuộc địa phận thị xã Sa Pa, cách thành phố Lào Cai 38km và cách thủ đô Hà Nội 376km theo hướng Tây Bắc, thị trấn Sa Pa là một món quà đặc biệt thiên nhiên ban tặng không chỉ cho tỉnh Lào Cai mà còn cả vùng Tây Bắc với cảnh quan thơ mộng kỳ vĩ, được ví như một vườn treo khổng lồ nằm lơ lững giữa trời xanh, thật quyến rũ bởi những áng mây lững lờ và làn sương mù quanh năm bao phủ.
Thị trấn Sa Pa trong mây – Ảnh: Ngọc Bằng (VnExpress – 10-2-2010)
Tên “Sa Pả” hay “Sa Pá” có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại, có nghĩa là “bãi cát” – trong tiếng Hoa, “Sha” cũng có nghĩa là cát. Thực tế khi chưa hình thành thị trấn Sa Pa, nơi đây đã là một bãi cát trống trải mà cư dân bản địa thường họp chợ. Từ cái tên Sa Pả, người phương Tây khi phát âm không rõ dấu và với cách phiên âm của họ đã thành “Chapa”. Trong một thời gian dài, người ta đã dùng tên “Cha Pa” như một từ tiếng Việt và điều này dễ gây ngộ nhận khi diễn giải hay phiên dịch, vì vậy mà về sau này các nhà chuyên môn đã thống nhất với cách dùng tên “Sa Pa”.
Sa Pa trong làn sương mù buổi sáng - Ảnh: Ngọc Bằng (VnExpress – 10-2-2010)
Mùa Đông năm 1903 khi người Pháp cử đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ Lào Cai, họ đã phát hiện ra cao nguyên Lồ Súi Tỏng (nay có tên là Can Thàng) và làng Sa Pả với cảnh quan kỳ thú, địa hình núi đồi và không khí mát mẽ, trong lành đã manh nha ý tưởng xây dựng nơi đây thành khu du lịch nghỉ dưỡng.
Năm 1905, người Pháp đã bắt đầu thu thập những thông tin về địa lý, khí hậu, thảm thực vật… tại Sa Pa và đến năm 1909, một khu điều dưỡng quân sự đã bắt đầu được xây dựng. Trong ý hướng quảng bá Sa Pa như một điểm đến du lịch, một văn phòng du lịch đã được thành lập tại Sa Pa năm 1917 và qua năm sau người Pháp đã bắt đầu xây dựng những biệt thự dân sự đầu tiên. Năm 1920 với việc hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đã mở ra triển vọng phát triển du lịch đến Sa Pa.
Sa Pa mang phong thái châu Âu – Ảnh: Ngọc Bằng (VnExpress – 10-2-2010)
Trong vòng chưa đầy 1/4 thế kỷ, Sa Pa đã được người Pháp qui hoạch và xây dựng thành khu nghỉ mát và điều dưỡng khá chỉnh chu, với đầy đủ hệ thống đường nhựa, thủy điện, trạm nước… Bên cạnh đó, các cơ sở hành chánh như dinh Toàn quyền, tòa Chánh sứ, sở Than, Kho bạc, Bưu điện, Kiểm lâm… cũng được thiết dựng, đặc biệt hơn 200 ngôi biệt thự lớn, nhỏ được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu thế kỷ XIX, được bố trí hài hòa giữa những cánh rừng đào hay những rặng samu đã tạo nên một không gian lãng mạn mang phong thái đặc thù châu Âu.
Anh đào Nhật Bản nở rộ bên hồ Sa Pa – Ảnh: nguồn laocai.gov.vn
Sa Pa trong tư thế là một trung tâm điều dưỡng - nghỉ mát của người Pháp nổi đình đám chưa được bao lâu, đã sớm đoản mệnh khi vào ngày 9-3-1945, người Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Rồi người Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, những bại binh Pháp từ Trung quốc trở lại Việt Nam cũng không đủ sức vực dậy Sa Pa, nhất là khi cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc bùng nổ, tiếp theo là 20 năm chống Mỹ.
Khi Việt Nam mới vừa kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước chưa được bao lâu và nhiều người còn chưa kịp làm quen với không khí hòa bình thì lại phải đối diện với cuộc chiến do những người anh em từ bên kia biên giới phát động năm 1979. Trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung, Sa Pa đã bị ảnh hưởng nặng nề với nhiều tòa biệt thự cổ do người Pháp xây dựng bị phá hủy, hàng ngàn rừng thông bao phủ thị trấn bị đốt sạch…
Khách du lịch tại Sa Pa – Ảnh: Nguyễn Lê Đức Hạnh (VnExpress.net – 11.5.2009)
Mãi đến thập niên 1990, Sa Pa mới thực sự hồi sinh khi vào năm 1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái và đến năm 1993 Chính phủ đã công bố đường lối, chính sách về du lịch đánh dấu sự chuyển biến có ý nghĩa quyết định – các công trình dân dụng bắt đầu được tái thiết và xây dựng với cơ số phòng / khách sạn không ngừng tăng cả về chất lẫn lượng…
Trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện quần cư 6 tộc người với nền văn hóa và các lễ hội mang sắc thái khác biệt. Vào dịp đầu năm, nơi đây rộn ràng với lễ hội “Sải sán” (đạp núi) của người H’mông, lễ “Tết nhảy” của người Dao Đỏ, lễ hội “Roóng pọc” của người Giáy Tả Van, lễ hội xuống đồng Sa Pa - Lào Cai của dân tộc Tày, Dao… bên cạnh lễ hội trên mây mở đầu tuần văn hóa du lịch Sa Pa với sự tham gia của hầu hết các dân tộc trong vùng…
Lễ hội trên mây tại Sa Pa – Ảnh: nguồn sapalaocai.com
Tại Sa Pa mùa Hè không nóng gay gắt như các vùng đồng bằng ven biển nhưng khi Đông về thường có mây bao phủ và rất lạnh, nhiệt độ có thể xuống dưới 0ºC và thi thoảng có tuyết rơi. Một ngày nơi đây luôn hội đủ 4 mùa đem lại cho khách tham quan những trải nghiệm lý thú: buổi sáng sớm Sa Pa có khí hậu lành lạnh của mùa Xuân, sang trưa có cái nóng gai gai của mùa Hè, khi chiều về lại có cái lạnh mơn man nhè nhẹ của mùa Thu và khi màn đêm buông xuống thì từ khắp phố núi tràn về cái lạnh da diết của mùa Đông… Đến Sa Pa, du khách được tận hưởng không khí mát mẻ trong lành với nhiệt độ trung bình 15º - 18ºC.
Sa Pa, ngày tuyết rơi – Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn (dantri.com.vn – 16.3.2011)
Là một vùng khí hậu ôn đới và mát mẻ, Sa Pa trở thành vương quốc của hoa, quả và rau củ. Đến Sa Pa vào mùa Xuân, du khách có thể chiêm ngắm những rừng đào chạy dài từ đầu thị trấn đến tận đỉnh đèo Ô Quy Hồ với sắc hoa hồng thắm như rải thảm đón chào khách du Xuân, bên cạnh đó phong lan, glayeuil, pensé, tường vi, thược dược… cũng không ngại ngần đua hương sắc. Không chỉ dừng lại ở các đặc sản nổi tiếng như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa…, Sa Pa còn được biết đến với nhiều vườn cây ôn đới nổi tiếng với những sản phẩm bắp cải, su hào, su su… chưa kể những loại cây dược liệu qúy giá…
Thiếu nữ dân tộc tại Sapa rạng rỡ dưới nắng xuân – Ảnh: Hữu Thắng (nguồn dulich.dantri.com.vn)
Tham quan Sa Pa, du khách có thể khám phá nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cách Sa Pa 13km về phía Tây, hang động Tả Phìn cách Sa Pa 8km về phía Đông Bắc, núi Hàm Rồng ngay tại trung tâm thị trấn…, chinh phục đỉnh Fansipan cao 3.143m hay tìm hiểu sinh học Vườn Quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa được xếp hạng Vườn Di sản ASEAN… Du khách hoài cổ có thể đến với những công trình do người xưa để lại với những bí ẩn chưa được giải mã tại bãi đá cổ cách Sa Pa 7km về phía Đông Nam hoặc chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ đá là công trình kiến trúc còn nguyên vẹn đã trở thành biểu tượng đánh dấu một thời kiến trúc Pháp độc chiếm Sa Pa. Du khách hiếu động dễ dàng bị cuốn hút vào những hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc qua sinh hoạt “chợ tình” vào mỗi tối thứ Bảy…
Các món nướng Sa Pa – Ảnh: Quỳnh Anh (nguồn TTO – 16.12.2009)
Đến với Sa Pa, sẽ là thiếu sót nếu du khách không thử một lần khám phá những món ăn dân dã mang sắc thái địa phương. Cái thị trấn nhỏ bé này có hẳn một góc phố ẩm thực bên hông nhà thờ đá vào buổi tối với loại thức ăn chủ yếu là những món nướng. Trong làn sương khói bồng bềnh và cái lạnh tái tê của núi rừng, quả là thú vị khi được ngồi bên bếp than đỏ rực, chuyền tay nhau củ khoai nướng thơm lừng hay nhâm nhi từng hạt ngô ngòn ngọt trong lúc chờ thưởng thức vị bùi béo của trứng gà nướng hay hương vị đậm đà của món thịt nướng, cái lạnh tưởng như bay mất tự lúc nào…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- KHU DU LỊCH NÚI HÀM RỒNG 15/04/2011
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn