VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
QUẢNG NAM (HỘI AN)
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
08/04/2011
CHÙA CẦU HỘI AN
Nằm bắc ngang lạch nước chảy ra sông Hoài, nối liền hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú ngày nay, cầu Nhật Bản (Nhật Bản kiều) là chiếc cầu gỗ được các thương nhân Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng nhằm nối liền phố Nhật ở phía Đông với phố Khách (phố người Hoa) ở phía Tây cảng thị Hội An xưa, tạo thuận tiện trong giao thương buôn bán. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định rõ thời điểm hình thành cầu nhưng trong thư tịch cổ Việt Nam, tên “Nhật Bản kiều” đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1617. Điều này cho phép phỏng đoán cầu đã được xây dựng trong thời gian trước đó hoặc chậm nhất là vào thời điểm 1617.
Chùa Cầu, thắng cảnh nổi tiếng của Hội An về đêm – Ảnh: Thanh Thủy (nguồn tuvanonline.com 27.3.2010)
Trong “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn lập, đã giới thiệu khái lược về cầu Nhật Bản:“Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói.”
Sự hình thành Cầu Nhật Bản gắn với một “sứ mạng” khá thú vị. Theo truyền thuyết, một loài thủy quái ngoài đại dương (người Việt gọi là con Cù, người Hoa gọi là Câu Long, người Nhật gọi là Mamazu) có đầu nằm tại Nhật Bản, mình vắt qua Việt Nam tại Hội An, còn đuôi thì ở tận Ấn Độ, mỗi lần nó trở mình là gây ra lũ lụt ở khắp nơi và động đất lớn ở Nhật Bản. Để ngăn không cho con quái vật cựa mình, người Nhật đã lập cầu như một hình thức trấn yểm (!).
Ảnh: nguồn netdepviet.org
Với bề rộng 3m, dài chừng 18m, cầu Nhật Bản có chân được xây bằng đá, mặt cầu bằng gỗ cong vồng bắc ngang con lạch. Ngoài lối đi ở giữa, hai bên còn có bệ gỗ nhỏ và dài làm nơi ngồi nghỉ, ngắm cảnh hay buôn bán. Cầu được thiết kế kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu, tức cầu có mái che) gồm 7 gian, trong đó 5 gian giữa nằm trên mặt nước và hai gian hai đầu nằm trên bờ phía Tây và phía Đông được thiết kế như cổng dẫn vào cầu. Mái cầu lợp ngói âm dương uốn cong mềm mại theo chiều cong của cầu, trên bờ nóc đắp hình “lưỡng long triều nguyệt” ở giữa và “hồi long” cách điệu ở hai đầu. Toàn bộ cây cầu toát lên vẻ sinh động với nhiều họa tiết chạm trổ khá tinh xảo. Tại gian cổng ở hai đầu cầu, được bố trí như một gian nhà nằm ngang quay mặt ra đường, có mái lợp riêng kiểu một tầng bốn mái tách bạch hẳn với năm gian chính giữa cầu, hai bên hông xây bít và trước đây đã có đôi câu đối chữ Hán đắp nổi (*), sau bị mờ dần qua thời gian nên người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả Phật thủ, còn ở mặt tiền có đặt hai nhóm tượng bằng gỗ ngồi chầu, gồm đôi khỉ và đôi chó tương truyền là những vật linh theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật.
Thái tử Nhật chăm chú lằng nghe giới thiệu về chùa Cầu – Ảnh: Trà Bang (nguồn VnExpress.net – 11.2.2009)
Năm 1653, 20 năm sau ngày vương triều Mạc Phủ (Nhật Bản) ban chỉ dụ bế môn tỏa cảng, cấm thần dân không được quan hệ giao thương với nước ngoài và 16 năm sau ngày thương thuyền cuối cùng của Nhật Bản rời bến cảng Hội An, cũng là lúc những người Minh Hương trung thành với nhà Minh lánh nạn cuộc chiến tranh nhà Thanh lật đổ nhà Minh, được chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) cho định cư tại Hội An từ năm 1644 đã dần ổn định cuộc sống, Trung Lương Hầu Khổng Thiên Như (một trong mười vị tiền hiền lập làng Minh Hương đồng thời cũng là quan phụ trách Ty Tàu vụ của chúa Nguyễn tại Hội An) đã cùng một số tiền hiền khác bỏ tiền xây dựng ngôi chùa nhỏ nối thêm vào cạnh lan can phía Bắc cầu. Chùa nhô ra trên lạch nước với bộ vì kèo mang cấu trúc thuần Việt được nối vào với vì kèo của cầu tạo thành một liên kết rất hài hòa. Tuy được dựng nối vào nhau nhưng chùa và cầu vẫn được tách biệt nhờ vách gỗ và bộ cửa làm theo lối “thượng song hạ bản”, tạo nên hai không gian kiến trúc biệt lập, bên ngoài vốn là cầu với nhiệm vụ giao thông, còn bên trong có chức năng thờ tự và để giữ sự tôn nghiêm, chùa chỉ mở cửa vào những ngày lễ tế định kỳ.
Ảnh: Nguyentran (nguồn Panoramio)
Mang danh là chùa nhưng thực tế nơi đây chỉ là một miếu nhỏ, không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ sư hay còn gọi Huyền Thiên Đại Đế, một vị thần có uy lực trị thủy và diệt trừ loài thủy quái theo tín ngưỡng Trung Hoa. Tại đây trên bệ thờ giữa chùa có đặt tượng thần Bắc Đế trong thế đứng oai nghiêm, một chân gác lên lưng rùa và một tay nắm chặt con vật thuộc loài bò sát đang vẫy vùng, hình ảnh biểu trưng cho sự khắc chế đối với loài Câu Long. Trên khám thờ còn thấy đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi uy danh của vị thần:
“Hiển hách oai thần nơi khuyết Bắc,
Rỡ ràng đức đế chốn trời Nam.”
Chùa hướng mặt ra lòng cầu, phía trên cửa chính về sau có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng, chạm nổi ba chữ Hán “Lai Viễn Kiều” (cầu của những người đến từ phương xa) là tên do chúa Nguyễn Phúc Chu sắc ban trong lần vi hành đến Hội An năm 1719 và biết được lịch sử hình thành cầu. Điểm đáng chú ý là tuy chùa được người Hoa kiến dựng nhưng trên hai cánh cửa lại có hai họa tiết chạm nổi hình sư tử và chiếc quạt là những hình ảnh mang phong cách Nhật Bản.
Ảnh: nguồn giacngo.vn
Sau khi hình thành phức hợp kiến trúc cầu Nhật Bản - chùa Bắc Đế, tên gọi cầu Nhật Bản dần bị lãng quên khi người ta quen sử dụng danh xưng kép “Chùa Cầu”. Chùa đã qua bốn đợt trùng tu: năm 1763 (thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), 1817 (thời vua Gia Long), 1875 (thời vua Tự Đức), 1915 (thời vua Khải Định). Kể từ lần trùng tu thứ hai (1817) trở về sau, niên đại trùng tu được ghi trên thượng lương hay xà nóc và tại các văn bia. Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1986. Do đã qua nhiều đợt trùng tu nên Chùa Cầu cũng mất dần các yếu tố kiến trúc Nhật Bản ban đầu, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt - Hoa.
Là một công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn Hội An, Chùa Cầu không chỉ là nơi giao thoa gặp gỡ giữa ba nền văn hóa Nhật - Việt - Hoa mà còn thể hiện được tài năng, sức sáng tạo của người thợ làng mộc Kim Bồng từ 400 năm trước. Công trình này đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 17-2-1990. Hình ảnh Chùa Cầu đã được chọn làm biểu tượng của đô thị cổ Hội An và cũng được in trên đồng bạc polyme mệnh giá 20.000 đồng.
Mai Kim Thành
(*): Nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên (1911-1996) đã tìm lại được đôi câu đối này, giúp người đời sau hiểu được phần nào phong thái của người xưa.
Câu đối phía cửa Tây:
“Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện,
Khán hoa nhân đáo mã đề lôi.”
Đã có người tạm dịch:
“Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp,
Người xem hoa vó ngựa sấm vang.”
Câu đối phía cửa Đông:
“Thiên cẩu song tinh an cấn thổ,
Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân.”
Đã có người tạm dịch:
“Hai sao thiên cẩu ở yên nơi đất Cấn,
Hai tướng tử vi định được chốn quẻ Khôn.”
Chủ đề liên quan :
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN - DI SẢN THẾ GIỚI 08/04/2011
Dòng thời sự
- FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024
(02/12/2024) - LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn