Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

LONG AN


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

26/11/2011

TRỐNG BÌNH AN VƯƠN CAO, BAY XA…


Từ trung tâm huyện Tân Trụ, băng qua cánh đồng lúa rộng hàng trăm héc-ta rồi đi thêm hơn một cây số theo con đường quanh co nhỏ hẹp, du khách sẽ tiếp cận ấp Bình An thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tại đây, ít ai ngờ lọt thỏm giữa vùng đồng lúa mênh mông này lại hiện diện một làng nghề truyền thống mà tên tuổi đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và được tín nhiệm ở nhiều nơi trên thế giới: làng nghề bịt trống Bình An. Tuy ấp Bình An có diện tích 195ha gồm 436 hộ nhưng nơi đây thực sự chỉ có 16 hộ theo nghề làm trống.

Nghệ nhân Út Lương đang hoàn thiện dăm trống – Ảnh: Huỳnh Nga (nld.com.vn – 16.1.2010) 

Nghệ nhân Út Lương đang hoàn thiện dăm trống – Ảnh: Huỳnh Nga (nld.com.vn – 16.1.2010)

NGHỀ CHA TRUYỀN CON NỐI

Tương truyền từ những năm 1920 của thế kỷ 20, có một thanh niên làm nghề thương hồ lênh đênh khắp miệt sông nước của vùng đất Nam bộ buôn bán nước mắm. Một hôm khi đến vùng Rạch Gầm (Gò Công - Tiền Giang), anh có duyên làm quen với một thầy chùa và được vị này chỉ cho cách bịt trống. Vốn là người sáng dạ và khéo léo, anh đã nhanh chóng nắm bắt những nguyên tắc cơ bản của nghề bịt trống. Do thời ấy vùng Long An dân cư còn thưa thớt, đình chùa ít và nhu cầu sử dụng trống không nhiều, anh phải tiếp tục nghề thương hồ nhưng vẫn giữ đam mê với nghề làm trống. Theo thời gian, những chiếc trống anh làm ra ngày càng đẹp và sắc sảo. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở nơi khác cũng biết tiếng và tìm về tận làng Bình An đặt hàng. Rồi cũng đến một ngày anh gác chèo chia tay với nghề thương hồ, lên bờ mở lò bịt trống đầu tiên trong làng. Người thanh niên ấy được biết đến sau này là cụ Nguyễn Văn Ty, ông tổ của nghề bịt trống Bình An.

 Nghệ nhân Năm Mến chăm chút từng sản phẩm (sgtt.vn 2-2-2008)

Nghệ nhân Năm Mến chăm chút từng sản phẩm (sgtt.vn 2-2-2008)

Là một nghề “cha truyền con nối” trong dòng họ Nguyễn Văn, đã có 5 thế hệ nối tiếp tạo thành làng nghề trống Bình An. Nối nghiệp cụ Ty, những truyền nhân đầu tiên như cụ Tình, cụ Phùng, cụ Dương… từng được nhiều người biết tiếng. Ngay từ những năm 1950 của thế kỷ trước, trống Bình An đã nổi tiếng không chỉ khắp miền Nam mà còn được biết đến ở các nước khu vực Đông Nam Á. Với tiếng tăm vang xa, trống Bình An không ngừng lớn mạnh, trở thành nơi sản xuất và cung cấp trống nổi tiếng nhất ở miền Nam.

Qua đến thế hệ thứ tư, các nghệ nhân như Năm Mến, Út Lương, Hai Phú… đã dành nhiều tâm huyết cho nghề, cải tiến kỹ thuật nhằm kiện toàn và phát triển nghề truyền thống. Giữa làng nghề cũng có sự chuyên môn hóa, những hộ có tay nghề cao và uy tín thì sản xuất trống theo đơn đặt hàng, những hộ còn lại thì làm trống hàng, tức là loại trống làm sẵn theo chủng loại, kích cỡ thông dụng của thị trường rồi ký gởi cho các đại lý tại thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, nhờ vậy các hộ trong làng nghề trống đều có công ăn việc làm ổn định để có thể toàn tâm toàn ý vinh danh nghề.

Nghệ nhân Năm Mến bên chiếc trống chầu kỷ lục cao 2,5m, đường kính mặt trống 1,47m – Ảnh: nguồn sgtt.vn (2-2-2008) 

Nghệ nhân Năm Mến bên chiếc trống chầu kỷ lục cao 2,5m, đường kính mặt trống 1,47m – Ảnh: nguồn sgtt.vn (2-2-2008)

Điểm thú vị là ngay từ khởi thủy, ông tổ của nghề làm trống đã là “hai lúa”, qua nhiều đời phát triển, cho đến nay các nghệ nhân nghề trống cũng đều là những “hai lúa” thứ thiệt, nhưng họ đã làm rạng danh dòng trống Việt Nam và đang mở hướng ngoạn mục cho trống Việt Nam xuất biên, cạnh tranh lành mạnh cùng những tên tuổi trống lớn trên khắp thế giới. Ngày 13-3-2009, Tổ hợp tác trống Bình An đầu tiên được thành lập do nghệ nhân Nguyễn Văn Mến (Năm Mến) làm tổ trưởng và hai tổ viên tham gia, đã mở ra hướng hợp tác và phát triển để thương hiệu trống Bình An vươn cao và bay xa.

NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU

Để hình thành nên một chiếc trống, phải qua rất nhiều công đoạn, từ làm da, làm dầm trống (thân) đến bịt trống…

 Trống cơm – Ảnh: nguồn tretoday.net

Trống cơm – Ảnh: nguồn tretoday.net

Nếu ngày trước người thợ Bình An thường mua nguyên cây về cắt khúc, khoét rỗng ruột rồi bịt da lên, thì ngày nay do thân gỗ hiếm hoặc giả do kích cỡ trống ngày càng lớn nên chỉ những loại trống có đường kính nhỏ như trống chiến, trống bát, trống cơm, trống lệnh, trống bồng… mới được làm dăm liền bằng cách khoét rỗng khúc cây gỗ nhỏ, còn các loại trống lớn như trống đình, trống lân, trống chầu…, người thợ phải dùng loại dăm ghép bằng gỗ sao hoặc dầu. Những cây gỗ được xẻ ra thành từng tấm ván, phơi khô, hơ lửa để tạo độ cong, xử lý mối mọt… Khi làm dăm trống, người thợ sẽ chọn từ những tấm ván đã được uốn cong, bào bớt hai đầu để ghép lại thành thùng trống, cố định bằng những niềng sắt hoặc mây. Việc tạo hình thùng trống phải dựa vào yêu cầu về âm thanh của chiếc trống sau này, như làm trống trường học thì ván ghép dăm phải dài và uốn cong ít để có tiếng nghe thanh, làm trống chùa thì thân trống phải ngắn và bầu ra để tiếng được vang rền như sấm…

 Làm dăm trống – Ảnh: nguồn giadinh.vtc.vn – 8.3.2010

Làm dăm trống – Ảnh: nguồn giadinh.vtc.vn – 8.3.2010

Một khâu quan trọng của nghề trõng là làm da. Thông thường để đảm bảo tiếng kêu tốt và độ bền cao, người thợ kinh nghiệm phải tìm loại da trâu già vừa mới mổ (mới làm thịt) để đảm bảo độ tươi, bởi da để quá lâu sẽ bị khô và giảm chất lượng. Da đem về sẽ được cạo sạch lớp lông bên ngoài và lớp thịt mỡ bầy nhầy phía bên trong. Tiếp đến tấm da sẽ được đem phơi từ 1 tuần đến 10 ngày và phải được canh đủ nắng, bởi thiếu hoặc thừa nắng sẽ làm cho chất lượng da kém đi. Khi da đã khô đúng chuẩn sẽ được đem vào lạng (tiện bớt), tùy theo từng loại trống hay dăm trống mà người thợ sẽ có cách lạng khác nhau, như mặt trống to thì lạng da dày, mặt trống nhỏ thì lạng da mỏng, dăm trống cứng thì lạng da dày, dăm mỏng hoặc mềm thì lạng da mỏng, da của trống “võ” phải dày hơn da của trống “văn”, đặc biệt da ở phần giữa nơi gõ dùi trống phải dày hơn ở bên ngoài…

 Miếng da trâu đang được phơi nắng có trọng lượng khoảng 60kg – Ảnh: Thùy Trang (nguồn baovanhoa.vn – 21.1.2009)

Miếng da trâu đang được phơi nắng có trọng lượng khoảng 60kg – Ảnh: Thùy Trang (nguồn baovanhoa.vn – 21.1.2009)

Da đã lạng xong sẽ được đem phơi nắng thêm mấy ngày rồi đem nhúng nước cho dẻo trước khi căng lên mặt trống. Đây là khâu quan trọng đòi hỏi phải có kỹ thuật và trình độ thẩm âm của người thợ. Các nghệ nhân bịt trống ngày trước đã biết nghĩ ra cách lập dàn trò để bịt trống, dùng chính da trâu làm dây néo kéo căng mặt trống. Sau mỗi lần gõ, mặt trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần kéo theo miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ.

Phụ nữ cũng tham gia bịt mặt trống – Ảnh: nguồn giadinh.vtc.vn 

Phụ nữ cũng tham gia bịt mặt trống – Ảnh: nguồn giadinh.vtc.vn

Một bí quyết khác của làng bịt trống Bình An, đó là trong mỗi chiếc trống người thợ lại đặt vào một vài sợi lò xo thép làm cho âm vang tiếng trống thêm sống động và chỉnh chu. Cho đến nay đây vẫn là điều kỳ diệu bởi ngay chính những người thợ lão luyện cũng chưa lý giải được cách khoa học tác dụng của những “linh vật” này. Làm thế nào để “đo” được âm lượng của trống là yếu tố quyết định sự thành bại của nghề, thường chỉ có những người say nghề và gắn bó với nghề nhiều năm mới “nghe” và “hiểu” được đứa con tinh thần mình sinh ra. Phải mất nhiều năm người thợ mới đạt độ thẩm âm chuẩn cho tiếng trống và đó là lý do biện minh nghề bịt trống tuy hiện diện gần cả 100 năm nhưng những nghệ nhân có trình độ làm trống đặt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

ĐỂ TRỐNG BÌNH AN VƯƠN CAO, BAY XA…

“Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mẫu mã mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn nhiều loại trống khác…” – đó là nhận xét của nhiều khách hàng sau khi sử dụng trống Bình An. Các đoàn lân, sư, rồng Việt Nam khi đi biểu diễn ở nước ngoài cũng đã gây được sự chú ý từ các đoàn bạn bởi những chiếc trống mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”. Chính sự tinh xảo, âm thanh độc đáo đã khiến cho trống Bình An không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến ở cả ngoài nước.

Công đoạn bịt mặt trống – Ảnh: nguồn giadinh.vtc.vn 

Công đoạn bịt mặt trống – Ảnh: nguồn giadinh.vtc.vn

Đề cập đến sự tín nhiệm của khách nước ngoài đối với trống Bình An, ông Lưu Tấn Hằng, Trưởng đoàn lân-sư-rồng Hằng Anh đã có những nhận xét lý thú: “Trống Trung Quốc có hình thức hoa mỹ nhưng thùng trống rất yếu nên sử dụng một hai mùa đã bung. Ngược lại, nhờ chất lượng gỗ và kỹ thuật đóng, thùng trống Bình An không chỉ đẹp, còn bền. Đặc biệt, mặt trống được bịt bằng một loại da trâu tốt nên tính đàn hồi cao tạo nên âm thanh rất hấp dẫn…”.

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, người dân làng quê Bình An không còn ngạc nhiên khi cứ vài tháng lại thấy kéo về nơi đây một đoàn đông vui với cờ xí và lân, rồng – họ là những vị khách đến từ Quảng Đông hay Quảng Châu (Trung Quốc) xa xôi để làm lễ khai trống. Cũng có khi về đây lấy hàng là những thương lái đến từ Campuchia, Thailand, Malaysia, Singapore, nhiều đoàn lân-sư-rồng đến từ Mỹ, Úc, Canada… Một Việt kiều ở Mỹ từng là khách hàng của làng trống nhiều năm, ông Hồ Bửu chia sẻ:“Khó mà tin được làng Bình An nằm giữa đồng không mông quạnh lại là nơi làm trống rất tuyệt vời, âm thanh không lẫn vào đâu được. Ngạc nhiên hơn, tất cả đều là những “hai lúa”, không ai học qua trường lớp, nhưng có tay nghề cao…”.

 Nghệ nhân Năm Mến bên chiếc trống chầu – Ảnh: nguồn tretoday.net

Nghệ nhân Năm Mến bên chiếc trống chầu – Ảnh: nguồn tretoday.net

Trong nỗ lực khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tỉnh Long An, ngày 16-12-2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An đã tổ chức Hội thảo về “Nghề bịt trống Bình An” nhằm bảo tồn nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Long An và phát triển thương hiệu trống Bình An vươn xa xứng tầm với địa danh làng nghề truyền thống. Các ngành chức năng huyện Tân Trụ hiện đang xúc tiến xây dựng thương hiệu độc quyền cho “trống Bình An”, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Long An cũng đã đưa làng trống Bình An vào danh mục du lịch địa phương trong nỗ lực giới thiệu truyền thống văn hóa đặc trưng đến khách du lịch.

Chiếc trống chầu có đường kính mặt trống 1,47m tại nhà ông Năm Mến – Ảnh: Thùy Trang (nguồn: baovanhoa.vn) 

Chiếc trống chầu có đường kính mặt trống 1,47m tại nhà ông Năm Mến – Ảnh: Thùy Trang (nguồn: baovanhoa.vn)

Với việc có thương hiệu, giá trị làng trống sẽ được nâng lên, trống Bình An sẽ đàng hoàng đi vào thương trường quốc tế chứ không còn chịu thiệt thòi do không có xuất xứ như từ trước tới nay. Xin mượn lời tâm sự của ông Gutwenger Gunta, một du khách người Áo để tạm khép lại bài giới thiệu này:“Nếu chỉ nhìn thấy những chiếc trống như thế này trong quầy trưng bày, tôi sẽ nghĩ nó được làm nên từ một nhà máy nào đó ở Trung Quốc. Bởi vì trong suy nghĩ của tôi những thứ này chính là sản phẩm văn hóa Trung Hoa. Nhưng không, nó được làm nên từ đây, một ngôi làng nhỏ bé của Việt Nam. Thật tuyệt. Tôi yêu mến văn hóa của các bạn…”.

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành