Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

THÁI BÌNH


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tổng quan

14/11/2010

TỈNH THÁI BÌNH


Cách Hà Nội 106km về phía Đông Nam trong vùng ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng, Thái Bình là một tỉnh hành lang cận kề với tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Bắc bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Đông giáp vịnh Bắc bộ, Tây và Tây Nam giáp Nam Định và Hà Nam, Bắc giáp Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng.

 Cổng chào thành phố Thái Bình

Cổng chào thành phố Thái Bình – Ảnh: nguồn land24.vn

Tỉnh Thái Bình có diện tích 1.542,24km² chiếm 0,5% diện tích đất đai cả nước với dân số 1.780.954 người theo thống kê 2009 gồm các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Hoa…, trong đó nông thôn chiếm đến 94,2%. Về mặt hành chánh, tỉnh Thái Bình gồm có thành phố tỉnh lỵ Thái Bình và 7 huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương. 

Bản đồ hành chính tỉnh Thái Bình  

Bản đồ hành chính tỉnh Thái Bình – Ảnh: nguồn hanoitransferservice.com

Thái Bình có hệ thống sông biển khép kín tạo nên thế mạnh tiềm năng về nguồn thủy hải sản. Với bờ biển chạy dài trên 50km cùng 4 con sông lớn chảy qua (sông Hóa ở phía Bắc và Đông Bắc, sông Luộc ở phía Bắc và Tây Bắc, hạ lưu sông Hồng và sông Trà Lý ở phía Tây và Nam) và đổ ra biển ở 5 cửa Văn Úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý, Lân đã hình thành 3 thủy vực khác nhau, trong đó 17km² vùng nước mặn chủ yếu dành cho hoạt động khai thác các loại hải sản như cá trích, cá đé, tôm he…, vùng nước lợ có khoảng 20.705ha hiện đang được khai thác để nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, ngao, vọp, rau câu…, vùng đất ngập mặn và các cồn cát ven biển như cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen lại rất thích hợp trồng tập trung các loại cây sú, vẹt, bần. Bên cạnh đó, vùng nước ngọt với tổng diện tích 9.526ha cùng hệ thống kênh mương ao hồ rộng khắp đã tạo điều kiện phát triển nuôi trồng các loại thủy sản.

 Thành phố Thái Bình ngày nay

Thành phố Thái Bình ngày nay – Ảnh: nguồn valaw.vn

Do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và các sông khác, đất đai Thái Bình rất phì nhiêu và màu mỡ. Trên tổng diện tích 153.596ha đất tự nhiên đã có 94.187ha diện tích đất gieo cấy hàng năm. Nơi đây hầu hết đất đai đã được cải tạo để có thể cấy trồng 3 – 4 vụ / năm và với hệ thống công trình tưới tiêu rất thuận lợi đã góp phần làm nên những cánh đồng 14 – 15 tấn / ha. Các loại cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả nhiệt đới, cây cảnh và hoa cũng rất thích hợp trên vùng đất này. Hiện Thái Bình đang có gần 5.000ha rừng vừa để giữ đất, vừa có tác dụng chắn sóng đồng thời tạo môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên ven biển trong mối tương quan kích cầu du lịch. 

 Quê lúa Thái Bình

Quê lúa Thái Bình đẹp miên man – Ảnh: Nguyễn Trọng Bằng nguồn htcamera.vn

Năm 2003, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nổ địa chấn để chuẩn bị cho việc khai thác khí ngoài khơi vịnh Bắc bộ, với mỏ khí đốt Tiền Hải sản lượng khai thác hàng chục triệu mét khối khí thiên nhiên mỗi năm sẽ có thể phục vụ phát triển nền công nghiệp của tỉnh Thái Bình. Cùng với mỏ khí đốt, mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450m với trữ lượng tĩnh khoảng 12 triệu mét khối đã là nguồn cung cấp cho các nhãn hiệu nước khoáng Vital, Tiền Hải, Well được đánh giá cao bởi người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Trên vùng đất xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà còn có mỏ nước nóng 57ºC ở độ sâu 50m và 72ºC ở độ sâu 178m đang được đầu tư khai thác phục vụ nhu cầu điều dưỡng chữa bệnh và phát triển du lịch.

Khai thác khí tại mỏ khí đốt Tiền Hải  

Khai thác khí tại mỏ khí đốt Tiền Hải – Ảnh: nguồn Vietstock.vn

Tại Thái Bình, mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy phát triển sớm và tương đối nhanh. Hệ thống đường bộ được phân bổ khá hợp lý với 5.614km trong đó có 98km đường quốc lộ, 312km đường tỉnh lộ, phần còn lại là đường giao thông nông thôn. Với việc hình thành các cầu Tân Đệ, Triều Dương, Qúy Cao, đã nối liền đường bộ với Nam Định và vùng tam giác tăng trưởng kinh tế. Thái Bình còn có nhiều cảng sông tại thành phố và các huyện, cảng quốc gia Diêm Điền đã được đầu tư xây dựng đủ khả năng đón tàu 600 tấn ra vào làm hàng, trong tương lai sẽ tiếp tục nâng cấp để có thể đón tàu đến 1.000 tấn. 

 Dự án cầu qua sông Hồng

Dự án cầu qua sông Hồng nối Thái Bình - Hà Nam – Ảnh: nguồn cucqlxd.gov.vn

Là một vùng “địa linh nhân kiệt”, Thái Bình còn lưu giữ hơn 80 lễ hội truyền thống đặc sắc, 16 loại hát múa, trò chơi như hát chèo, múa rối nước, múa bát dật, múa sênh tiền… và nhiều công trình văn hóa được xếp hạng như chùa Keo, đền Đồng Bằng, cụm di tích đền Trần, từ đường Lê Qúy Đôn, nhà lưu niệm Bác Hồ… Các làng nghề thủ công lâu đời như chạm bạc Đồng Xâm, chiếu An Lễ, dệt đủi Nam Cao, thêu Minh Lãng, mây tre đan Thượng Hiền… với nhiều sản phẩm thể hiện sự khéo léo, tinh tế trong sáng tạo và đa dạng phong phú về mẫu mã.

Phối cảnh Tháp Thái Bình  

Phối cảnh Tháp Thái Bình 25 tầng – Ảnh: nguồn baoxaydung.com.vn

Đến Thái Bình, ngoài việc tắm biển Đồng Châu, thăm các làng vườn, làng trồng hoa cây cảnh trù phú như làng vườn Bách Thuận với những vườn cây ăn quả, cây cảnh, cây thế đủ các gam màu đậm nhạt, du khách còn có thể khám phá khu rừng ngập mặn hay các cồn đảo ven biển là nơi cư trú của nhiều loài chim trong đó có những loài qúy hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng và đã được ghi vào sách đỏ của tổ chức bảo vệ chim quốc tế.

Bãi biển Đồng Châu  

Bãi biển Đồng Châu – Ảnh: nguồn facebook.com/quangvu.photo

Cùng bãi cát trắng, nước trong, cảnh thiên nhiên hoang dã của rừng ngập mặn…, Thái Bình có những tiềm năng nhất định trong đó có nhiều thuận lợi phát triển du lịch sinh thái mang tính đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc bộ. Hiện dự án đường ra Cồn Vành đang được triển khai, một khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi qui hoạch khu Cồn Vành thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các loại hình nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao biển…  

Quy hoạch khu phố biển  

Quy hoạch khu phố biển Đồng Châu – Ảnh: nguồn ibstac.vn

Cự ly đường bộ từ Thái Bình đi: Hà Nội (106km) – Hải Phòng (70km) – Nam Định (19km) – Ninh Bình (110km) – Kỳ Anh (281km) – Đồng Hới (380km) - Đông Hà (476km) – Đà Nẵng (653km)…

Điểm du lịch tiêu biểu: khu di tích lịch sử nhà Trần, khu du lịch sinh thái Cồn Vành, khu du lịch rừng ngập mặn Thụy Trường, bãi biển Đồng Châu, làng vườn Bách Thuận, Thần Quang tự (chùa Keo)…

Mã vùng điện thoại: 0227

Mai Kim Thành (Tổng hợp)    

 

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành